Tránh áp dụng hình phạt phản cảm đối với học sinh
Mới đây, hai clip chia sẻ nội dung về một nữ sinh đứng ở bục giảng bị giáo viên cầm kéo cắt tóc gây xôn xao cộng đồng mạng.
Theo đó, nữ sinh này mặc đồng phục, có bộ tóc khá dài và bị cô giáo bắt đứng trước lớp. Cô giáo liên tiếp khiển trách nữ sinh. Vụ việc lên đến đỉnh điểm khi cô giáo cầm kéo cắt tóc nữ sinh. Được biết, sự việc diễn ra tại một trường THPT thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.
Các clip được chia sẻ thu hút hàng nghìn lượt chia sẻ, bình luận. Có ý kiến cho rằng, học sinh vi phạm nội quy nhà trường thì trước hết phải nhắc nhở, mời phụ huynh đến làm việc rồi đến kỷ luật, thậm chí nghiêm trọng là buộc thôi học, chứ giáo viên không có quyền xâm phạm đến cơ thể của người khác. Ý kiến khác cho rằng, đây là hành vi rất phản cảm của giáo viên, là một hình thức lạm dụng các hình thức xử phạt đối với học sinh, cần phải được lên án và xử lý nghiêm để răn đe.
Cô giáo cắt tóc tóc học sinh trên bục giảng. Ảnh: Internet |
Không chỉ vụ việc nêu trên mà thời gian qua, tình trạng giáo viên lạm dụng các hình thức kỷ luật, xử phạt đối với học sinh diễn ra phổ biến. Có thể kể các hình phạt được giáo viên áp dụng khi học sinh mắc lỗi như: quỳ, úp mặt vào tường, cho nghỉ học, “bêu tên”, uống nước giẻ lau bảng hoặc thậm chí đánh đập gây thương tích cho học sinh…
Những hình phạt như vậy khiến nhiều học sinh hoang mang, lo lắng; học sinh bị phạt thì lo sợ, bỏ học, trầm cảm, học tập thì ngày càng sa sút. Một số học sinh bất mãn với các hình thức kỷ luật, xử phạt của giáo viên thì về mách phụ huynh, sau đó phụ huynh làm to chuyện như bắt giáo viên phải quỳ để xin lỗi; nhiều học sinh nhờ người quen vào trường đánh giáo viên để trả thù hoặc có trường hợp chính học sinh phản kháng lại hình thức kỷ luật, xử phạt đó như bóp cổ nữ giáo viên, đâm trọng thương thầy giáo….
Thực trạng nêu trên cho thấy, hiện nay trong các trường học chưa có quy chuẩn trong việc áp dụng các hình thức kỷ luật, xử phạt khi học sinh vi phạm khuyết điểm. Cho nên nhiều giáo viên áp dụng hình thức kỷ luật, xử phạt đối với học sinh một cách tùy tiện, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tinh thần của học sinh; nhiều trường hợp dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng khó có thể khắc phục.
Thiết nghĩ, ở lứa tuổi học sinh thì tính hiếu động, muốn thể hiện mình hoặc chưa quen với ý thức tổ chức kỷ luật, việc chấp hành nội quy, quy chế của lớp, của nhà trường còn hạn chế hoặc học sinh còn ham chơi, không nghe lời cô giáo… là chuyện thường tình. Đối với những trường hợp này, giáo viên cần phải nhẹ nhàng, bình tĩnh xử lý tình huống; đối với học sinh bướng bỉnh, cá biệt trong lớp thì nên phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh và phụ huynh để có hướng xử lý, giáo dục. Khi quyết định các hình thức kỷ luật, xử phạt nặng đối với học sinh thì cần phải thống nhất với phụ huynh và các hình phạt đó phải nằm trong phạm vi cho phép, không phản giáo dục.
Bên cạnh đó, ngành giáo dục cần có quy định cụ thể về các hình thức kỷ luật, xử phạt khi học sinh vi phạm khuyết điểm. Các hình thức kỷ luật, xử phạt này phải mang tính giáo dục, không xúc phạm danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tinh thần của học sinh. Khi giáo viên áp dụng sai các hình thức kỷ luật, xử phạt thì phải bị xử lý nghiêm khắc. Đồng thời, học sinh, phụ huynh và Ban đại diện cha mẹ học sinh có quyền giám sát, phản biện và tham gia ý kiến đối với các hình thức kỷ luật, xử phạt mà giáo viên đã áp dụng.
Đỗ Văn Nhân
Ý kiến bạn đọc