Diện mạo mới ở buôn Bir
Năm nay đã gần 60 tuổi, ông Ksơr Blok, người có uy tín trong buôn Bir, xã Ea Hiao (huyện Ea H’leo) rất vui mừng trước sự đổi thay của mảnh đất anh hùng năm xưa.
Ông chẳng thể nào quên những tháng ngày chiến tranh ác liệt cùng bố mẹ và bà con vào tận trong Cư Jũ - Dlie Ya, một dãy núi lớn, có địa hình hiểm trở để nuôi giấu cán bộ, tham gia kháng chiến. Ông nhớ như in trận đánh khốc liệt của quân địch lên Tây Nguyên năm 1973, các chiến sĩ cùng du kích trong buôn ngày đêm mật phục, đánh tỉa, làm tiêu hao sinh lực, khiến địch phải rút lui…
Suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, đồng bào buôn Bir luôn nêu cao tinh thần bất khuất, vượt qua muôn vàn gian khó, đoàn kết, gắn bó bên nhau và một lòng son sắt với Đảng. Đất nước được thống nhất, đồng bào buôn Bir sinh sống dưới chân núi Cư Jũ. Đến năm 1984, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, đồng bào di chuyển về xã Ea Hiao bây giờ xây dựng đời sống kinh tế mới.
Nhà của ông Ksơr Blok được xây dựng khang trang, sạch đẹp. |
Vượt qua bao khó khăn, buôn Bir hôm nay đã khác xưa rất nhiều. Nhà cửa khang trang, những con đường nhựa thẳng tắp, mảnh đất một thời bom đạn giờ đã thành những vườn cà phê xen canh ngút ngàn.
Vừa hoàn thành xong đợt tưới, đang chuẩn bị cắt cành, chăm sóc cây cà phê, ông Ksơr Blok chia sẻ: Được cán bộ khuyến nông hướng dẫn, ông đã áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, nên đã cải tạo được 2 ha cà phê già cỗi, kém năng suất bằng việc trồng xen với cây ăn trái như sầu riêng, bơ, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Hiện, ông đã xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm đầy đủ các phương tiện phục vụ đời sống sinh hoạt, sản xuất.
Ông Nay Y Ter, Trưởng buôn Bir bày tỏ, những năm qua, cùng với các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, người dân trong buôn đã biết chăm lo phát triển sản xuất, tham gia sôi nổi các phong trào thi đua nên đời sống kinh tế ngày càng phát triển. Toàn buôn hiện có 215 hộ, với 998 khẩu, trong đó có 152 hộ đồng bào tại chỗ. Từ 43 hộ nghèo (năm 2014), đến nay, buôn chỉ còn 16 hộ nghèo. Các con đường trong buôn đã bê tông hóa sạch đẹp. Trước đây, học sinh trong buôn phải đi bộ gần chục cây số mới đến lớp thì bây giờ, ngay trong buôn đã có một trường tiểu học, một trường mầm non với hơn 150 học sinh theo học. Không chỉ chăm chỉ lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, bà con trong buôn còn chú trọng giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Cùng với việc tôn tạo, gìn giữ những nếp nhà dài truyền thống, bà con còn đang tìm cách để khôi phục lại những nghề truyền thống. Buôn cũng thành lập được đội chiêng để biểu diễn trong những ngày lễ, dịp đặc biệt của buôn làng.
Học sinh buôn Bir được học tập trong trường lớp khang trang. |
Chia sẻ về đổi thay ở buôn Bir, ông Nguyễn Đình Chí, Bí thư Chi bộ buôn không giấu được niềm tự hào: “Năm 1998, tôi về buôn Bir sinh sống và làm việc. Với 25 năm gắn bó, buôn Bir đã trở thành quê hương thứ hai. Từ một vùng rất hoang sơ, hẻo lánh, đời sống sản xuất, sinh hoạt khó khăn, lạc hậu, phát huy truyền thống anh hùng, buôn Bir đã khởi sắc với những nếp nhà mới khang trang. Ngoài sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đổi thay của buôn Bir hôm nay còn từ sự nỗ lực, đoàn kết vươn lên của chính đồng bào nơi đây”.
Nguyễn Gia
Ý kiến bạn đọc