Người dân khu tái định cư – vẫn chưa thể an cư
Dù đưa vào sử dụng hơn 10 năm nay, nhưng khu tái định cư (TĐC) tại buôn Ea Kal (nay thuộc thôn Phú Quý), xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc) ngày càng hoang sơ, hàng chục căn nhà bỏ hoang khi người dân lần lượt tìm về nơi ở cũ, gây lãng phí nguồn ngân sách nhà nước.
“Vườn không – nhà trống”
Năm 2012, hơn 60 hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Ea Kênh (huyện Krông Pắc) được đưa đến khu TĐC buôn Ea Kal theo Chương trình 134 của Thủ tướng Chính phủ. Tại đây, hạ tầng cơ sở như điện, đường và nhà TĐC được quan tâm đầu tư xây dựng, với mục tiêu tạo điều kiện tốt nhất cho người dân sinh sống và lập nghiệp. Theo đó, mỗi hộ dân đến khu TĐC này đều được cấp 400 m2 đất ở, một căn nhà TĐC xây sẵn với diện tích 28m2. Ngoài ra, đối với hộ dân có 4 nhân khẩu được cấp 3 sào đất ruộng sản xuất, hộ từ 5 nhân khẩu trở lên được cấp 5 sào. Điều đặc biệt, khu TĐC này nằm gần trung tâm xã và gần trường học, chợ, điện nước bảo đảm.
Thế nhưng, lần lượt các hộ dân đã rời bỏ khu TĐC để đi nơi khác hoặc trở về nơi cũ, để lại “vườn không - nhà trống”. Cả một dãy nhà san sát, kéo dài trống hoác chỉ còn trơ lại khung bê tông, mọi hạng mục đều bị hư hỏng, xuống cấp. Do bỏ hoang lâu ngày nên cỏ cây mọc um tùm, phủ kín trước sau, thậm chí một số căn cây dại còn mọc giữa các phòng cho thấy nhiều năm qua không hề có người qua lại.
Hàng chục căn nhà ở khu tái định cư buôn Ea Kal (cũ) bị bỏ hoang. |
Em H’Nứ Ayun kể, năm 2012 gia đình em (thời điểm đó gồm 8 nhân khẩu) chuyển từ xã Ea Kênh đến khu TĐC hiện tại với mong muốn có điều kiện sản xuất và sinh hoạt tốt hơn. Song căn nhà rộng chưa đầy 30m2 là nơi tá túc của cả 8 người trong gia đình khiến việc sinh hoạt hằng ngày rất bất tiện. Đến nay, lần lượt các anh chị em trong nhà đã lập gia đình ra riêng, bố đã mất nhưng hiện gia đình vẫn còn 7 nhân khẩu. Nhà chật, người đông nên vợ chồng em phải mượn căn nhà kế bên (nhà của hộ dân khác bỏ hoang) để ở cho rộng rãi, khi nào họ lấy thì trả lại. Không những thế, đất sản xuất lại ít, làm không đủ ăn nên sau hơn 10 năm bám trụ tại khu TĐC này, cuộc sống của gia đình em vẫn đối mặt với muôn vàn khó khăn.
“Thôn Phú Quý sau khi sáp nhập có 300 hộ, với 1.500 nhân khẩu. Toàn thôn có 20 hộ nghèo, trong đó có đến 12 hộ nghèo ở khu TĐC buôn Ea Kal cũ” - Trưởng thôn Phú Quý Nguyễn Văn Nghĩa. |
Tương tự, năm 2012 Y Súp Ayun theo bố mẹ đến khu TĐC tại buôn Ea Kal, thời điểm đó gia đình em có 8 người được cấp một căn nhà TĐC và 5 sào ruộng. Nay em lập gia đình (trường hợp này không thuộc diện cấp nhà và đất theo Chương trình 134), do không có điều kiện mua đất làm nhà, vợ chồng em đã tận dụng căn nhà TĐC của hộ khác bỏ hoang, mua một số vật liệu và đồ dùng về sửa chữa để tá túc tạm thời. Y Súp chia sẻ, vợ chồng em không có đất sản xuất nên làm thuê nay đây mai đó, cuộc sống cơ cực trăm bề. Vài năm trở lại đây, vợ chồng quyết định vay mượn người thân để mua xe máy cày chở thuê nông sản, phân bón cho bà con trong vùng, kiếm đồng ra đồng vào để trang trải cuộc sống. Mong muốn có ít sào đất canh tác để bớt phải bươn chải làm thuê là nguyện vọng không chỉ đối với gia đình Y Súp mà với hàng chục hộ dân tại khu TĐC này.
Để người dân thực sự an cư
Khu TĐC buôn Ea Kal hiện có 19 hộ, với hơn 100 nhân khẩu, các hộ còn lại (gồm 3 hộ đã chuyển khẩu, 44 hộ chưa chuyển khẩu) đã đi nơi khác hoặc trở về nơi ở cũ. Cuối tháng 2/2022, thực hiện chủ trương sáp nhập thôn, buôn, tổ dân phố, buôn Ea Kal được sáp nhập vào thôn Phú Quý (như vậy thôn Phú Quý mới được sáp nhập từ 3 đơn vị gồm buôn Ea Kal, thôn Vân Kiều và thôn Phú Quý cũ). Trưởng thôn Phú Quý Nguyễn Văn Nghĩa cho biết, hơn 10 năm qua, cuộc sống người dân nơi đây vẫn rất khó khăn, thiếu thốn. Một phần do tại khu TĐC đất sản xuất ít, mỗi hộ chỉ được 3 - 5 sào đất lúa, trong khi nhân khẩu đông thì không thể đủ sống, phần khác hầu hết các hộ dân còn đất rẫy tại xã Ea Kênh nên họ chọn phương án quay về nơi cũ để thuận tiện trong sản xuất.
Hơn 10 năm về khu tái định cư, cuộc sống người dân vẫn gặp nhiều khó khăn. |
Thực tế cho thấy, với một căn nhà TĐC chưa tới 30 m2 đối với một gia đình có ít nhất 4 nhân khẩu thì không còn phù hợp. Thêm vào đó, với những gia đình có đông nhân khẩu, nhưng chỉ có 3 - 5 sào đất ruộng, không có đất sản xuất rau màu thì hiệu quả kinh tế sẽ không cao. Do đó, rất nhiều người dân thuộc diện được cấp nhà, đất ở khu TĐC này không thiết tha, gắn bó với nơi ở mới. Đối với những người còn bám trụ lại thì mong muốn có thêm diện tích đất sản xuất để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống lâu dài.
Theo UBND xã Vụ Bổn, dù thực trạng này đã tồn tại nhiều năm nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa có giải pháp để giải quyết triệt để nhằm giúp người dân ổn định cuộc sống tại nơi ở mới.
Có thể khẳng định, sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước trong việc đầu tư xây dựng các khu TĐC cho hộ nghèo thiếu đất ở, đất sản xuất là hết sức thiết thực. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần phải giải được “bài toán” phát triển kinh tế lâu dài cho người dân mới có thể giúp họ “an cư, lạc nghiệp”.
Hoàng Hồng
Ý kiến bạn đọc