Multimedia Đọc Báo in

Xung kích chăm lo cho thế hệ măng non

04:26, 18/04/2023

Huyện Ea Kar hiện có 16 hội đồng đội dân cư, 51 liên đội trường học, với gần 24.000 thiếu niên, nhi đồng.

Những năm qua, tổ chức Đoàn, Đội các cấp trên địa bàn đã tổ chức nhiều hoạt động chăm lo, giáo dục thiếu niên, nhi đồng thông qua các phong trào, cuộc vận động “Giúp bạn tới trường, hướng tới tương lai”, “Kế hoạch nhỏ”, “Nghìn việc tốt”, với những việc làm cụ thể như nuôi heo đất, thu gom giấy vụn…, từ đó xây dựng công trình măng non, tặng sách vở, quần áo, đồ dùng học tập cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn tại các liên đội.

Trong 5 năm (từ 2017 đến 2022), toàn huyện đã trao tặng 1.500 áo trắng, 3.000 cuốn vở, 50 bàn học, gần 3.600 suất quà, hơn 1.500 suất học bổng... với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, trong hai năm (2020 - 2021), trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, các tổ chức Đoàn, Đội trên địa bàn huyện đã thực hiện Chương trình “Triệu túi an sinh”, “San sẻ cùng em thơ chung tay vượt qua đại dịch”; qua đó cấp phát miễn phí hơn 15.000 khẩu trang, 1.000 chai nước rửa tay kháng khuẩn, 3.000 tấm chắn giọt bắn, 7.000 chai nước lọc, 1.500 suất cơm 0 đồng, trao tặng 600 suất quà, 20 bàn học, 80 suất học bổng (tổng trị giá hơn 400 triệu đồng) cho trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.

Niềm vui của các em ở phân hiệu Trường Mầm non Mầm Non tại thôn Ninh Thanh (xã Ea Kmút) khi có khu vui chơi.

Giúp các em thiếu niên, nhi đồng có điểm vui chơi giải trí lành mạnh, an toàn, Đoàn Thanh niên, Hội đồng Đội huyện đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa, vận động các nguồn lực tu sửa, nâng cấp và xây dựng mới khu vui chơi tại các thôn, buôn và trường học. Từ năm 2017 đến năm 2022, Đoàn, Đội các cấp đã tu sửa, nâng cấp và xây mới 13 khu vui chơi cho thiếu niên, nhi đồng, với tổng số tiền 320 triệu đồng. Đơn cử như phân hiệu Trường Mầm non Mầm Non tại thôn Ninh Thanh (xã Ea Kmút) có hai lớp học với 52 học sinh trong độ tuổi từ 2 - 4, trước đây các em ít có điều kiện tham gia các hoạt động ngoài trời bởi chưa có khu vui chơi. Vào tháng 3/2023, điểm trường này đã được Hội đồng Đội huyện hỗ trợ kinh phí xây mới khu vui chơi với các hạng mục: bập bênh, ghế xích đu, thú nhún lò xo, cầu trượt liên hoàn (với tổng số tiền 31 triệu đồng). Cô Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Mầm Non phấn khởi: “Từ khi có khu vui chơi, giờ ra chơi của các em trở nên hào hứng và sôi nổi hơn. Khu vui chơi được xây dựng đã tạo điều kiện cho học sinh được vừa học vừa chơi, phát triển thể chất cũng như giúp trường hoàn thiện hơn về cơ sở vật chất”.

Huyện Đoàn Ea Kar hỗ trợ kinh phí xây nhà Nhân ái cho gia đình em H’Vân Niê.

Bên cạnh đó, Đoàn, Đội các cấp trên địa bàn huyện còn thường xuyên quan tâm, hỗ trợ các em đội viên, thiếu niên, nhi đồng khó khăn về nhà ở. Từ năm 2017 đến nay, Huyện Đoàn Ea Kar đã hỗ trợ xây dựng 12 ngôi nhà Nhân ái cho các em khó khăn về nhà ở, với mức hỗ trợ 30 triệu đồng/căn. Gia đình em H'Vân Niê (học sinh lớp 2B, Trường Tiểu học Nguyễn Du, xã Ea Tíh) thuộc diện cận nghèo, đất sản xuất ít, bố mẹ em phải vào tỉnh Bình Dương làm công nhân; cả nhà em sống trong căn nhà gỗ đã xuống cấp, mưa dột gió lùa. Thấu hiểu những khó khăn đó, cuối tháng 2/2023, Huyện Đoàn Ea Kar đã hỗ trợ 30 triệu đồng cho gia đình em H’Vân để làm nhà. Trong ngày khởi công xây dựng nhà, anh Y Bunh Ksơr (bố của H’Vân) xúc động chia sẻ: "Từ số tiền được Đoàn Thanh niên huyện hỗ trợ và vay mượn thêm mà mong ước có một căn nhà kiên cố để che mưa che nắng của gia đình tôi đã thành hiện thực. Có nhà mới rồi, tôi yên tâm làm việc để kiếm tiền lo cho các con ăn học”.

“Bằng những hoạt động chăm lo thiết thực, cụ thể của Đoàn Thanh niên, Hội đồng Đội huyện đã động viên, khích lệ các em thiếu niên, nhi đồng vươn lên trong học tập; tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh giúp các em phát triển toàn diện và phấn đấu trở thành con ngoan trò giỏi" - Chủ tịch Hội đồng Đội huyện Ea Kar Hoàng Thị Kim Nhung.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.