Multimedia Đọc Báo in

Chuyển biến trong khuyến học, khuyến tài ở huyện Krông Bông

07:58, 08/05/2023

Để tiếp sức, khơi dậy tinh thần hiếu học, những năm qua, công tác khuyến học, khuyến tài luôn được các cấp, các ngành ở huyện Krông Bông quan tâm, hỗ trợ, từng bước tạo chuyển biến trong công tác giáo dục, xây dựng xã hội học tập ở địa phương.

Năng nổ với công tác xã hội, gia đình ông Trương Công Thành (tổ dân phố 2, thị trấn Krông Kmar) còn được biết  là tấm gương lan tỏa phong trào hiếu học trên địa bàn. Rời quê hương Hà Nam vào Đắk Lắk lập nghiệp từ những năm 1987, với vốn liếng ít ỏi, gia đình ông chăm chỉ làm việc, chăm sóc cây điều và chăn nuôi heo, tạo thu nhập để nuôi các con ăn học. Mặc dù gia đình còn khó khăn, thiếu thốn nhưng vợ chồng ông luôn động viên nhau cố gắng để tiếp động lực cho các con yên tâm đến trường. Cùng với đó, nhờ sự quan tâm của các hội, đoàn thể trên địa bàn huyện và nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã hỗ trợ những phần quà thiết thực như: sách, vở, quần áo... hằng năm cho học sinh nghèo vượt khó, đã động viên tinh thần giúp các con tiếp tục nỗ lực hơn trong học tập. Nhờ vậy, ba con của ông luôn chăm ngoan, tự lập trong học tập và đỗ vào những trường cao đẳng, đại học với số điểm cao, thành tích học tập tốt...

Học sinh nghèo vượt khó trong học tập trên địa bàn huyện Krông Bông nhận xe đạp từ các nhà hảo tâm tài trợ.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có những tấm gương tiêu biểu trong phong trào hiếu học như: gia đình ông Trần Văn Nhơn (thị trấn Krông Kmar); gia đình ông Nguyễn Văn Trung (xã Cư Pui); gia đình ông Nguyễn Văn Học (xã Cư Pui); gia đình ông Nguyễn Tấn Kính (thôn 2, xã Dang Kang)…

Không chỉ khơi dậy tinh thần hiếu học, huyện Krông Bông còn tích cực vận động, kêu gọi hỗ trợ để tiếp sức cho các em có thành tích cao trong học tập, đặc biệt là các xã vùng sâu. Với số lượng học sinh ở các cấp học đứng đầu huyện Krông Bông, xã Cư Pui hiện có hơn 4.000 học sinh, trong đó học sinh dân tộc thiểu số chiếm trên 80%. Nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người dân và kết nối với các chương trình, dự án trong và ngoài tỉnh phục vụ giáo dục được đẩy mạnh, mang lại hiệu quả cao. Với sự kết nối, hỗ trợ kịp thời, chỉ riêng năm 2022, Hội Khuyến học xã và chính quyền xã đã tiếp nhận hơn 600 triệu đồng từ các nhà hảo tâm để trao học bổng, sách vở, xe đạp, quần áo… cho học sinh nghèo, động viên tinh thần để các em tiếp tục nỗ lực trong học tập. Do vậy, tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học giảm dần, nhiều gương học sinh điển hình học tập tốt được nhận Giấy khen của huyện, tỉnh.

Ông Đinh Văn Long, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Krông Bông cho biết, Hội Khuyến học huyện có 14 chi hội cơ sở là 14 xã, thị trấn và 4 chi hội thuộc trường THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp. Huyện có 25 dân tộc cùng sinh sống, 7/13 xã thuộc xã vùng III, đất đai khô cằn, thời tiết không thuận lợi nên đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Để đẩy mạnh các phong trào, thời gian qua, Hội Khuyến học huyện luôn tích cực phối hợp với các hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Qua đó, theo dõi, kiểm tra, đánh giá các hoạt động, tạo sự chuyển biến về nhận thức, hưởng ứng tích cực của cộng đồng xã hội trong xây dựng các mô hình học tập, xây dựng Quỹ khuyến học. Đồng thời, chú trọng công tác xây dựng tổ chức và phát triển hội viên; đẩy mạnh phong trào "Học tập suốt đời" trong cộng đồng, dòng họ; thí điểm xây dựng mô hình “Công dân học tập” giai đoạn 2021 - 2026 trên địa bàn…

Hội Khuyến học huyện Krông Bông kết nối mạnh thường quân trao học bổng "Vì em hiếu học" năm học 2022 - 2023 cho học sinh xã Dang Kang.

Trong năm 2022, toàn huyện có 56,2% gia đình đạt danh hiệu Gia đình học tập; dòng họ học tập đạt 67%; cộng đồng học tập đạt 90%; đơn vị học tập đạt 100%. Toàn huyện vận động các nhà hảo tâm tài trợ được 3,8 tỷ đồng tặng sách vở, quần áo… nhằm đảm bảo "3 đủ" (đủ ăn, đủ mặc và đủ trang thiết bị học tập) cho học sinh. Bên cạnh đó, Hội Khuyến học huyện đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chỉ đạo các trung tâm học tập cộng đồng tổ chức các lớp chuyên đề bám sát nội dung chương trình giáo dục, đáp ứng yêu cầu của người học để cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ sản xuất và giáo dục kỹ năng sống, tạo điều kiện cho người dân cần gì học nấy, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân. Từ đó, các lớp xóa mù chữ, phổ cập giáo dục đạt được hiệu quả thiết thực; các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật phát huy hiệu quả, giúp phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo; công tác khuyến học, khuyến tài trên địa bàn được lan tỏa và có chiều sâu.

Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.