Multimedia Đọc Báo in

Đa dạng hóa môi trường học tiếng Anh cho học sinh tiểu học

08:03, 04/05/2023

Hướng đến mục tiêu đa dạng hóa môi trường, tạo động lực cho học sinh ham học tiếng Anh hơn, trung tuần tháng 4 vừa qua, Sở GD-ĐT đã tổ chức Chương trình Giao lưu “Hùng biện tiếng Anh” cấp tiểu học tỉnh Đắk Lắk năm học 2022 - 2023 với chủ đề “Đắk Lắk - Quê hương tôi” (gọi tắt là chương trình).

Tạo cơ hội tương tác trực tiếp

Tại chương trình, 34 đội thi gồm 136 học sinh khối 4 và khối 5 đang học chương trình tiếng Anh tại các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đã có sự cọ xát, trải nghiệm việc sử dụng tiếng Anh từ lý thuyết đến thực tế dùng trong cuộc sống. Theo đó, mỗi đội thuyết trình về nội dung đã được chuẩn bị trước xoay quanh chủ đề đã nêu mang phong cách riêng, thể hiện sâu sắc về địa danh, văn hóa, ẩm thực, lễ hội... của địa phương nơi trường mình đứng chân; trả lời câu hỏi của đội bạn; đội bạn phản biện về nội dung đề cập trong bài thuyết trình trước đó. Ngoài việc học tiếng Anh, thông qua quá trình thành lập đội, nhóm tham gia chương trình ở các cấp, học sinh đã có cơ hội giao lưu với các bạn “đồng điệu” về sở thích, trình độ và tự học hỏi lẫn nhau dưới sự dẫn dắt của giáo viên.

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (huyện Krông Năng) học tiếng Anh tại thư viện trường.

Em Mai Trình An Na, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, thị trấn Krông Năng (huyện Krông Năng) chia sẻ rằng, tham gia chương trình hùng biện lần này, em đã có cơ hội thể hiện các kiến thức, kỹ năng đã được tích lũy trước đám đông; thấy nhiều bạn học giỏi hơn mình và học được kỹ năng nghe, nói, đối thoại bằng tiếng Anh từ tình huống thực tế.

Nhiều học sinh cho hay là đã theo học khá nhiều khóa học tiếng Anh cả trên mạng xã hội và cả ở trường, nhưng khi tham gia chương trình, được tương tác, giao tiếp trực tiếp thông qua hình thức hỏi đáp mới thấy kỹ năng sử dụng tiếng Anh của bản thân còn những hạn chế, nhất là kỹ năng phát âm. Qua đó mới thấy cần tiếp tục thực hành giao tiếp nhiều hơn để làm chủ các kiến thức được học và sử dụng hiệu quả trong cuộc sống.

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, tín hiệu tích cực nhất mà chương trình đem đến là sự đầu tư của các cơ sở giáo dục, phụ huynh đối với việc học tiếng Anh. Phụ huynh đã quan tâm, đôn đốc, hướng dẫn và tạo cơ hội cho học sinh làm quen môn học này từ sớm. Còn các cơ sở giáo dục thì ngoài việc dạy và học theo thời khóa biểu còn tổ chức các câu lạc bộ tiếng Anh, giao lưu tiếng Anh trong lớp, trong trường, liên trường, liên cấp…

Tăng tần suất hoạt động giao lưu tiếng Anh

Dù đã đạt những kết quả bước đầu trong việc dạy và học môn tiếng Anh nhưng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (huyện Krông Năng) vẫn còn những hạn chế trong xây dựng môi trường học tiếng Anh. Cô Đinh Thị Thu Hoài, giáo viên tiếng Anh của trường cho hay, các em được học tiếng Anh với tần suất 4 tiết/tuần; nhà trường cũng có các chương trình, dự án tiếng Anh tự tổ chức trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh, học sinh; đổi mới trong hoạt động giảng dạy (tăng thực hành giao tiếp tại lớp); tổ chức câu lạc bộ tiếng Anh của trường… nhằm phát triển kỹ năng nghe và nói cho học sinh. Tuy nhiên, để tạo sự phản xạ tự nhiên thì cần phải tăng tần suất tổ chức các hoạt động giao lưu, hùng biện tiếng Anh trong các tiết học, trong khối và khác khối…

Học sinh huyện Ea H'leo tham gia ôn luyện tại Trường Tiểu học Lý Tự Trọng.

Cô Mai Thị Loan, giáo viên Trường Tiểu học Lý Tự Trọng là Tổ trưởng Tổ tiếng Anh bồi dưỡng học sinh tham gia chương trình của huyện Ea H’leo chia sẻ, hầu hết các em có chất giọng tốt nhưng chưa biết cách tạo điểm nhấn khi nói nhằm gây sự chú ý đối với người nghe, cách làm chủ sân khấu… Vì thế, các cô đã tranh thủ thời gian luyện tập cho các em trong khoảng thời gian 1,5 tháng. Khi xây dựng video, giáo viên và học sinh căn chia nội dung theo từng giây cho khớp với tốc độ nói của học sinh và nội dung được nói đến; cách xử lý khi gặp sự cố trong quá trình thuyết trình (nói chậm dẫn đến bỏ qua nội dung, nói nhanh dẫn đến phần trình chiếu chưa tới…). Riêng phần khó nhất - phần phản biện được rèn luyện thường xuyên trong các buổi ôn tập: giáo viên vừa hướng dẫn cho học sinh tranh luận về đề tài của mình, vừa đóng vai ban giám khảo hỏi các câu hỏi liên quan để học sinh trả lời; qua đó đã giúp các em làm quen với môi trường và làm chủ sân khấu; từng bước phản xạ nhanh hơn khi sử dụng tiếng Anh trong cuộc sống.

Ông Nguyễn Văn Chiêu, Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học – Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT) phân tích, mầm non và tiểu học là lứa tuổi học sinh dễ bắt chước, dễ tiếp nhận kiến thức ngoại ngữ nhất; do đó đây là bậc học lý tưởng để các em học ngoại ngữ. Sự nỗ lực của bản thân học sinh là chưa đủ mà gia đình, nhà trường cần tạo môi trường để các em thực hành sử dụng tiếng Anh thường xuyên; khi có môi trường lý tưởng thì các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết sẽ được hình thành và phát triển dần theo năng lực của các em.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.