Multimedia Đọc Báo in

Giáo viên và tiến trình đổi mới giáo dục

08:04, 15/05/2023

Nghị quyết 29 – NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các nội dung đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là một trọng tâm của triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo theo Nghị quyết 29. Vì vậy, trong nhiều năm qua, “cải cách, đổi mới giáo dục” là cụm từ mà chúng ta thường nghe, xã hội thường hay nói tới.

Trên thực tế, có những cách hiểu khác nhau về “đổi mới”. Trong đó, đổi mới liên tục (incremental innovation) được hiểu là những sự cải thiện liên tục theo thời gian, thể hiện thông qua một loạt những tiến bộ nhỏ nhưng diễn ra thường xuyên. Trong lĩnh vực dạy học, người giáo viên cần có những đổi mới hằng ngày. Từ giáo viên mầm non cho đến giảng viên đại học đứng trước nhu cầu mới thì cần phải đổi mới.

Tuy nhiên, không ít giáo viên cho rằng, để làm những việc liên quan “đổi mới”, “sáng tạo” thì phải tạm thời ngừng việc dạy học hay chí ít cũng phải giảm bớt việc dạy. Và phần lớn giáo viên vừa không muốn, vừa cho rằng không có thời gian để làm.

Một tiết học với giáo viên người nước ngoài tại Trường Tiểu học, THCS & THPT Victory.
Tiết học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài tại Trường Tiểu học, THCS & THPT Victory. (Ảnh minh họa: Nguyên Hoàng) 

Đúng là ban đầu, việc thực hiện các giải pháp có tính “đổi mới” sẽ khiến giáo viên trở nên bận rộn hơn, áp lực công việc của giáo viên vẫn được cho là ở mức cao. Tuy vậy, nếu giáo viên cho rằng mình quá bận, không có thời gian dừng lại để kiểm tra xem hệ thống của cá nhân mình, lớp học của mình không ổn chỗ nào, gặp trục trặc gì để điều chỉnh và giải quyết thì đến một lúc nào đó, các hoạt động giáo dục cũng sẽ phải dừng lại.

Những phần việc quan trọng nhất của đổi mới giáo dục là những hoạt động mà người giáo viên có thể thực hiện ngay trong quá trình giảng dạy. Bằng cách vận dụng những giải pháp giáo dục phù hợp, các giáo viên có thể trở thành người suy nghĩ sâu sắc hơn và có nhiều khả năng được hưởng lợi ích từ những kinh nghiệm cá nhân của họ. Các giáo viên có thể tự tìm tòi, suy nghĩ, thực hiện các biện pháp giáo dục khác nhau để nâng cao chất lượng trong quá trình dạy học. Ví dụ, ở lĩnh vực giáo dục tiểu học, trong hoạt động cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh, một giáo viên có thể đề nghị gửi học trò mình tới một khu bảo tồn thiên nhiên.

Lẽ dĩ nhiên, người giáo viên đó có thể không đủ thời gian để làm một thực nghiệm sư phạm nhằm chứng minh tính xác đáng trong niềm tin của mình, rằng những trải nghiệm trong khu bảo tồn thiên nhiên sẽ giúp nâng cao kiến thức cũng như kỹ năng giải quyết vấn đề của học sinh. Tuy vậy, với các nguồn dữ liệu đáng tin cậy khác nhau, người giáo viên đó có thể quyết định liệu có nên tiếp tục các trải nghiệm như thế trong khu bảo tồn hay là nên thử một cách tiếp cận khác. Hình thành được lối xử sự trong công việc như một người quan sát có hệ thống là cách để chúng ta làm công việc của mình ngày càng có hiệu quả tốt hơn.

Tóm lại, đổi mới giáo dục chính là khuyến khích giáo viên và học sinh sử dụng một cách linh hoạt những phương thức khác nhau để nhìn nhận và giải quyết vấn đề theo cách tốt hơn. Một môi trường giáo dục hướng tới sự “đổi mới, sáng tạo” là một môi trường mà trong đó, các giáo viên biết nhìn ra những khó khăn và sẵn sàng đưa ý tưởng mới vào các hoạt động giáo dục nhằm giải quyết những khó khăn trong nghề nghiệp của mình.

Trương Thị Hiền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.