“Lỗ hổng” trong xây dựng đời sống văn hóa người lao động
Với các chế độ đãi ngộ, cùng mức lương hợp lý, nhiều công nhân, lao động ở các doanh nghiệp trên địa bàn cơ bản bảo đảm đời sống vật chất, nhưng lại khá “nghèo” về hoạt động giải trí, văn hóa…
Chị Phạm Thùy Linh, công nhân làm việc tại Cụm Công nghiệp Tân An cho biết: “Tôi đi làm 7 ngày trong tuần, nếu tính cả tăng ca gần như không có thời gian rảnh để vui chơi, giải trí. Nếu muốn tập gym, yoga, aerobic... phải đến phòng tập và mất phí. Công ty không có nơi để tập thể dục thể thao, phòng trọ thì chật chội, còn công viên khá xa nơi trọ”.
Công đoàn cơ sở Trường Tiểu học & THCS Nguyễn Khuyến tham gia Hội thao công nhân, viên chức và người lao động TP. Buôn Ma Thuột năm 2023. |
Quan sát nhiều nhà trọ ở khu vực gần cụm Công nghiệp Tân An, hầu hết công nhân sau khi đi làm về, họ chuẩn bị bữa cơm tối sơ sài rồi cầm điện thoại xem phim, lướt zalo, facebook, tiktok... Chị Nguyễn Thị Hạnh (nhà ở huyện M’Drắk), công nhân Công ty TNHH May mặc Lực Thiêm (Cụm Công nghiệp Tân An) trò chuyện: “Ngày lễ, tết, công ty mới tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao. Song cũng chỉ có một số ít công nhân luyện tập tham gia thi đấu, còn lại đều lao vào làm việc. Về nhà trọ, không có không gian sinh hoạt cộng đồng nên đành lướt điện thoại”.
Nhu cầu có thêm nhiều sân chơi để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần như chị Linh, chị Hạnh cũng đang là mong muốn của rất nhiều công nhân lao động khác trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP. Buôn Ma Thuột, ngoài một số công ty đứng chân trên địa bàn, hiện còn có cụm Cụm Công nghiệp Tân An với khoảng 100 doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động. Với số lượng lớn công nhân, người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp cũng đặt ra nhiều yêu cầu cấp thiết về việc bảo đảm các chế độ, chính sách, an sinh xã hội, nhất là việc đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của người lao động.
Ông Nguyễn Thanh Liêm, Chủ tịch LĐLĐ TP. Buôn Ma Thuột cho hay, bên cạnh những doanh nghiệp hằng năm duy trì đều đặn hoạt động thể dục, thể thao cho công nhân lao động, còn không ít doanh nghiệp chỉ chú ý đến lợi nhuận mà “quên” đi vai trò, vị trí của tổ chức Công đoàn, không tạo điều kiện cho Công đoàn tổ chức các hoạt động phong trào bề nổi, tạo sân chơi văn hóa lành mạnh cho công nhân lao động.
Hằng năm, LĐLĐ TP. Buôn Ma Thuột đều tổ chức Hội thao mừng Đảng, mừng Xuân, thu hút 850 - 1.000 đoàn viên, công nhân, viên chức và người lao động tham gia. Song, số lượng người lao động ở các Công đoàn cơ sở doanh nghiệp trực thuộc tham gia hoạt động này khá hạn chế.
Chủ tịch Công đoàn cơ sở, Công ty TNHH May mặc Able Joy Đắk Lắk (Khu công nghiệp Hòa Phú, xã Hóa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) bà Nguyễn Thị Kiều chia sẻ, đơn vị hiện có 950 công nhân từ 18 - 30 tuổi. Công ty luôn khuyến khích công nhân lao động tích cực tham gia hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao do các cấp Công đoàn tổ chức. Nhưng, mỗi khi có hoạt động gì, công ty dựa vào chỉ tiêu phân bổ của Công đoàn cấp trên để cử đoàn viên, công nhân lao động (20% công nhân) tham gia. Hiện tại, công ty vẫn chưa có khu vực, phòng chuyên dụng văn hóa - thể thao cho công nhân lao động. Việc đầu tư xây dựng... vẫn phải đợi quyết định của lãnh đạo công ty!.
Để tạo điều kiện cho người lao động, các doanh nghiệp cần đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các hoạt động văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở theo hướng gọn nhẹ, phù hợp với điều kiện sản xuất, công tác của doanh nghiệp và người lao động.
Hoàng Ân
Ý kiến bạn đọc