Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực rút ngắn khoảng cách giữa các tuyến bệnh viện

08:44, 28/05/2023

Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh đã được nâng lên. Tuy nhiên, không ít người dân vẫn chọn bệnh viện tuyến trên để khám chữa bệnh, trong khi đó bệnh viện tuyến dưới thì thưa thớt bệnh nhân, gây lãng phí nguồn nhân lực và trang thiết bị y tế.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông NAY PHI LA, Giám đốc Sở Y tế.

Giám đốc Sở Y tế Nay Phi La.

*Xin ông cho biết, những kết quả đạt được của công tác khám chữa bệnh cho người dân trong những năm gần đây?

Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đạt nhiều thành tựu. Ngành y tế Đắk Lắk đã tập trung chỉ đạo kịp thời, kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, ngăn ngừa hiệu quả sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm như: COVID-19, sốt xuất huyết... Hiện, 100% cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh đã kết nối liên thông bảo hiểm xã hội; tỷ lệ giường bệnh đạt 27 giường/10.000 dân; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm còn 18,2%; tỷ lệ trạm y tế xã có bác sĩ đạt 100%.

Bên cạnh chú trọng đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, ngành y tế còn chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đào tạo chuyên sâu, đại học và sau đại học; tham mưu UBND tỉnh xây dựng chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là bác sĩ. Qua đó đã có 25/29 đơn vị y tế được kiện toàn bộ máy; tuyển dụng mới 578 viên chức kịp thời bổ sung, duy trì nhân lực đáp ứng công tác phòng, chống dịch và khám điều trị tại các cơ sở y tế.

Ngành y tế tỉnh đã tiếp nhận hàng trăm lượt các giáo sư, bác sĩ đầu ngành từ các bệnh viện: Chợ Rẫy, Bạch Mai, Răng Hàm Mặt Trung ương, Nhân dân 115… về chuyển giao kỹ thuật mới, chuyên sâu cho các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trên toàn tỉnh gồm: xét nghiệm phát hiện ung thư sớm; xét nghiệm hỗ trợ sinh sản, tế bào, lọc rửa tinh trùng; cấp cứu sản phụ khoa, hồi sức sơ sinh; phẫu thuật nội soi; chuyển giao xạ trị; xét nghiệm sinh học phân tử… Nhờ đó, đã có hàng chục nghìn bệnh nhân được điều trị bằng kỹ thuật mới tại các bệnh viện trong tỉnh mà không phải chuyển lên tuyến trên.

* Thưa ông, khi chất lượng giữa các tuyến không đồng đều thì người dân sẽ đổ về các bệnh viện lớn, dẫn đến bệnh viện tuyến trên thì quá tải, kéo theo đó chất lượng khám chữa bệnh sẽ giảm xuống, ngược lại các bệnh viện tuyến dưới thì thưa thớt bệnh nhân, gây lãng phí nguồn nhân lực và các trang thiết bị y tế. Ông nhìn nhận thế nào về thực trạng này?

Mặc dù hệ thống y tế hiện nay đã được đầu tư phát triển đồng bộ từ tỉnh đến huyện/xã. Tuy nhiên, xã hội phát triển, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng tăng nên tình trạng quá tải cục bộ vẫn thường xảy ra tại một số bệnh viện tuyến tỉnh.

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên.

Trong bối cảnh đó, Sở Y tế đã tích cực thực hiện các giải pháp nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu khám chữa bệnh của người dân như: đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thêm trang thiết bị và bổ sung nhân lực cho các bệnh viện tuyến huyện; nâng cao năng lực cho các cơ sở khám chữa bệnh tuyến xã, đầu tư máy xét nghiệm, siêu âm, điện tim; đưa cán bộ y tế tuyến xã đi đào tạo để thu hút bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại tuyến xã. Đồng thời, các bệnh viện tuyến tỉnh cũng tích cực cử bác sĩ về chuyển giao kỹ thuật hồi sức cấp cứu; thở máy; đặt nội khí quản; cấp cứu sản khoa; phẫu thuật kết hợp xương... cho các bệnh viện tuyến dưới.

*Trước thực trạng trên, ngành y tế Đắk Lắk phải làm gì để "giữ chân" người bệnh ở bệnh viện tuyến dưới, thưa ông? 

Xác định nâng cao y đức, y thuật của đội ngũ nhân viên y tế là giải pháp then chốt để nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh. Vì vậy, để người bệnh tin tưởng vào chuyên môn, chất lượng điều trị ở bệnh viện tuyến dưới, ngành y tế tỉnh tiếp tục quan tâm bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, y bác sĩ thông qua các hình thức: cử cán bộ, nhân viên y tế tham gia tập huấn, đào tạo chuyên sâu về tay nghề, chuyển giao kỹ thuật mới tại bệnh viện tuyến trên; tổ chức đào tạo tại chỗ; tăng cường khám, chữa bệnh từ xa qua hệ thống Telehealth... Hoạt động trên không chỉ giúp nhiều bệnh nhân nặng được can thiệp chuyên môn kịp thời, chính xác mà còn là cơ hội để các y bác sĩ tích lũy được nhiều kỹ năng, kinh nghiệm trong chẩn đoán, đưa ra phác đồ điều trị đối với những ca bệnh phức tạp.

Bên cạnh đó, chú trọng đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế, xây dựng bệnh viện xanh - sạch - đẹp, an toàn, văn minh, hướng tới thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh. Cùng với đó, thúc đẩy xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, có chính sách khuyến khích phát triển y tế tư nhân, tăng cường phối hợp giữa bệnh viện công và bệnh viện tư để người bệnh được cung cấp dịch vụ tốt hơn. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân. Từ đó, khắc phục những nghịch lý tồn tại nhiều năm nay trong ngành y tế Đắk Lắk, đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Như Quỳnh (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.