Multimedia Đọc Báo in

Sớm ổn định kinh doanh cho tiểu thương chợ trung tâm huyện Ea Súp

07:58, 12/05/2023

Sau khi chợ trung tâm huyện Ea Súp xảy ra vụ hỏa hoạn, bà con tiểu thương ở đây đang gặp rất nhiều khó khăn vì thiệt hại tài sản lớn. Nhiều giải pháp đang được cấp ủy, chính quyền địa phương gấp rút triển khai để giúp người dân sớm kinh doanh trở lại, ổn định cuộc sống.

Chị Lê Thị Dung bán tại chợ trung tâm huyện Ea Súp từ hơn 20 năm nay. Nguồn thu nhập của gia đình chị trông chờ cả vào hai ki-ốt ở chợ. Trận hỏa hoạn kinh khủng ấy đã khiến gia đình chị gần như phá sản, trong đó, một ki-ốt bị thiêu rụi hoàn toàn, ki-ốt còn lại bị hư hại 30 – 40%, tổng thiệt hại hơn 200 triệu đồng. “Tôi trắng tay rồi, biết xoay xở thế nào đây để lo cho hai con đi học và khoản nợ ngân hàng 400 triệu đồng với lãi suất mỗi tháng 4 triệu đồng”, chị Dung nước mắt ngắn dài nói.

Đoàn công tác huyện Ea Súp trao tiền hỗ trợ tiểu thương bị thiệt hại.

Tiểu thương Trần Niên kinh doanh tại chợ cũng đã hàng chục năm, từ khi khu chợ lồng này chưa được xây dựng. Hỏa hoạn đã thiêu rụi hoàn toàn hai ki-ốt bán hàng tổng hợp của gia đình ông, gây thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng. Điều mà ông Niên cũng như những tiểu thương khác ở đây mong chờ nhất là cơ quan chức năng khẩn trương khắc phục hậu quả, tổ chức lại mặt bằng chợ tạm sớm nhất có thể và hỗ trợ bà con vay vốn không lãi suất để người dân trở lại kinh doanh, ổn định cuộc sống. Các tiểu thương cũng mong muốn cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ sự tắc trách, chậm trễ của những cá nhân, tổ chức có liên quan để xảy ra vụ việc.

Theo chính quyền địa phương, hiện Công an huyện đang phối hợp với các phòng nghiệp vụ của Công an tỉnh điều tra, làm rõ vụ việc. Huyện Ea Súp đang huy động nguồn lực tập trung khắc phục hậu quả hỏa hoạn; đồng thời, rà soát tổng mặt bằng kinh doanh tại chợ để bố trí chợ tạm tại khu chợ A, sắp xếp bố trí lại khu chợ B, khu chợ C để bà con kinh doanh một cách sớm nhất. Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch UBND huyện Ea Súp cho biết, trước mắt, huyện sẽ trích một phần ngân sách và nguồn ủng hộ bên ngoài để hỗ trợ, giảm bớt phần nào khó khăn cho bà con tiểu thương; rà soát, thống kê đánh giá mức độ thiệt hại của từng trường hợp, xây dựng phương án để sớm ổn định tình hình trật tự và đời sống của người dân. Về lâu dài, địa phương xây dựng phương án kêu gọi đầu tư để xây dựng chợ bảo đảm an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy và vệ sinh môi trường phục vụ kinh doanh, ổn định của người dân.

Vụ hỏa hoạn đã gây thiệt hại rất lớn về tài sản. Trong số những tiểu thương bị thiệt hại, có nhiều hộ đã tập trung vốn liếng, tài sản và vay nợ ngân hàng để đầu tư kinh doanh, bây giờ trắng tay, tinh thần hoảng loạn, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Để chia sẻ khó khăn với người dân, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện phối hợp với UBND huyện Ea Súp đã kêu gọi các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm, cán bộ, công chức, người lao động, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và toàn thể nhân dân hưởng ứng đóng góp ủng hộ, giúp đỡ các hộ nghèo bị thiệt hại vượt qua khó khăn để sớm ổn định cuộc sống.

Chợ trung tâm huyện Ea Súp được thành lập vào năm 1996, có diện tích xây dựng gần 3.500 m2, hiện nay đang có khoảng 350 tiểu thương với 400 điểm kinh doanh các mặt hàng, như: quần áo, đồ gia dụng, thực phẩm, dịch vụ ăn uống… Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thành Tâm đang là đơn vị quản lý, khai thác chợ này.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.