Chuyện về hai bài báo đoạt giải Nhất Báo chí quốc gia
Là phóng viên theo dõi mảng biên giới – biển đảo của Báo Tuổi Trẻ, có thể nói khu vực biên giới phía Bắc luôn có sức hấp dẫn đặc biệt với cá nhân tôi.
Ngoài vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, bản sắc văn hóa độc đáo và tình người còn nhiều nét nguyên sơ, hồn nhiên, biên giới phía Bắc còn lưu dấu nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc từ hàng chục thế kỷ qua. Có hai bài báo đoạt giải Nhất Giải báo chí quốc gia tôi đã nhận đều liên quan đến Tây Bắc, nhân ngày 21/6 năm nay xin nhắc lại chút kỷ niệm cùng quá trình tác nghiệp như một tâm sự cùng đồng nghiệp và bạn đọc.
“Chui túi ni lông qua suối” và cây cầu mới ở Sam Lang
Sam Lang là một bản nhỏ thuộc xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, gần với cực Tây Tổ quốc. Trong chương trình hoạt động “Tháng Ba biên giới” năm 2014, Báo Tuổi Trẻ đã quyết định phối hợp với Bộ đội Biên phòng Điện Biên mà trực tiếp là Đồn Biên phòng Nà Hỳ xây tại bản này một điểm trường với 3 ngôi nhà kiên cố trị giá 1 tỷ đồng (vật liệu) do bạn đọc Tuổi Trẻ đóng góp và bộ đội biên phòng góp công xây dựng.
Điểm trường này cách trung tâm xã chưa tới 20 km nhưng đường vào bản quá gian nan, ở Sam Lang không có điện, không điện thoại, vào mùa lũ các thầy cô đi bộ gần cả ngày đường từ xã vào bản, nếu gặp suối dâng ngày lũ thì cách qua suối là chui vào túi ni lông và nhờ trai bản kéo qua. Tôi đã kể lại câu chuyện này trên báo với sự minh họa của clip do cô giáo Tòng Thị Minh quay trong những lần chui túi bóng vào bản. Bài phóng sự được in trên báo cùng với clip được phát trên Truyền hình Tuổi Trẻ (TVO) thu hút hơn 50 vạn bạn đọc truy cập và hàng chục tờ báo nước ngoài dẫn lại. Gần như ngay trong ngày báo ra, bạn đọc đã gọi về tòa soạn và đề nghị xây ngay cây cầu treo cho bản Sam Lang.
Cây cầu treo Sam Lang khang trang được xây tặng bà con Nà Hỳ nhờ sự góp sức của bạn đọc. |
Chỉ hơn một tháng sau, cả ngôi trường và cây cầu đều khánh thành cùng lúc, mang đến niềm vui lớn cho đồng bào Nà Hỳ, các thầy cô cắm bản và lực lượng bộ đội biên phòng thuận lợi hơn trong quá trình đi tuần tra biên giới. Cùng với ngôi trường và cây cầu, trong quá trình vận chuyển vật liệu xây dựng, đường vào bản cũng được mở rộng để ô tô vào tận bản. Cùng một lúc bản làng vùng biên giới có được cả trường, đường, cầu…
Trong chừng mực nào đó, chúng tôi, những người thực hiện câu chuyện Sam Lang trên Báo Tuổi Trẻ chỉ phản ánh một Sam Lang trong hàng trăm Sam Lang trên dặm dài Tây Bắc, câu chuyện vượt suối bằng phương tiện nằm ngoài tưởng tượng của thầy trò nơi đây cũng chỉ là một cách trong nhiều cách “sáng tạo” riêng có của mỗi vùng. Điều rút ra từ câu chuyện này là: Thực tế cuộc sống luôn có những điều ngoài sự tưởng tượng, khi nhà báo vượt qua những khó khăn để tiếp cận thực tế đó, cùng với sự hỗ trợ từ những “nhà báo công dân” như cô giáo Minh sẽ tạo ra những hiệu ứng to lớn đối với xã hội. Câu chuyện Sam Lang nếu không có clip của cô giáo Minh chắc chắn hiệu quả của tác phẩm báo chí này không lớn như đã có. Vì thế, nếu nhà báo “sát cánh” cùng những “bạn đọc - nhà báo” thì chúng ta sẽ có thêm nhiều câu chuyện xúc động, cận cảnh cuộc sống và mang lại hiệu quả to lớn như câu chuyện Sam Lang.
Không ai, không điều gì bị lãng quên
Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc chống quân bành trướng Trung Quốc là một chương sử bi tráng và hào hùng của quân và dân ta. Khởi đầu vào sáng 17/12/1979, cuộc chiến này không chỉ dài một tháng như nhiều người vẫn nghĩ mà nó kéo dài đúng 10 năm, đến năm 1989 mới kết thúc ở mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang).
Trong một lần trả lời phỏng vấn của chúng tôi về cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, Đại tá Nguyễn Mạnh Hà (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) từng nói rất xác đáng: “Là một người nghiên cứu lịch sử nhưng cũng là một người lính, tôi xin nói thẳng là dù bất cứ hoàn cảnh nào thì hòa bình vẫn là quý giá nhất. Chiến tranh biên giới kết thúc thật sự, chúng ta mới có thể tiếp tục sự nghiệp đổi mới, có những chính sách lâu dài và bền vững để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống nhân dân, để có một vị thế mới trong bản đồ ngoại giao thế giới như hôm nay. Nhưng như vậy không có nghĩa là trang sử về chiến tranh biên giới đã khép lại. Lịch sử bản chất là sòng phẳng, khách quan, cái gì đã xảy ra rồi cũng có lúc sẽ được đặt lại trên bàn cân lịch sử để luận định. Chúng ta nhìn lại chiến tranh biên giới, trước hết là để học bài học cho chính mình: cái gì lẽ ra đã có thể tránh được, cái gì cần nhớ để nhắc lại cho thế hệ sau”.
Những con đường mang tên các Anh hùng liệt sĩ hy sinh từ năm 1979 - 1989 trên mặt trận bảo vệ biên giới phía Bắc. |
Chúng tôi đã rất nhiều lần đề cập về cuộc chiến tranh này, bằng một cách tốt nhất để nhắc nhớ mà không khơi gợi đau thương thù hận. Tuy nhiên cũng không ít người đã nghĩ rằng chúng ta né tránh nhắc đến cuộc chiến, thậm chí còn có suy nghĩ sai lầm rằng những người hy sinh cho đất nước ở biên ải phía Bắc đã bị quên lãng. Chính vì thế khi những đường phố trên những đô thị biên giới được mang tên các anh hùng liệt sĩ hy sinh từ năm 1979 - 1989 chính là một thái độ rõ ràng và sòng phẳng với lịch sử, nêu cao đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và cũng là thông điệp cho những ai đã nghĩ rằng đó là một cuộc chiến bị lãng quên. Và tuyến bài “Dòng tên trên đá núi, đã thành tên phố phường” được thực hiện để truyền tải thông điệp này.
Dĩ nhiên thực hiện bài này không thể là chuyến đi hai tuần qua các đô thị biên ải, nơi có đường phố mang tên các anh hùng mà còn là sự tích lũy tư liệu trong gần 20 năm theo đuổi mảng đề tài này. Làm báo rất cần sự tích lũy tư liệu, và làm báo về mảng biên giới, biển đảo thì tích lũy tư liệu càng quan trọng gấp bội. Như các bạn biết, từ Hà Nội lên Tây Bắc, cho dù nay đường sá rất tốt so với trước nhưng nếu không tích lũy tư liệu tốt, đôi khi phải mất hành trình gần cả nghìn cây số để bổ sung thêm một tấm ảnh hay một tư liệu, vì thế tôi rất ý thức về tích lũy tư liệu. Ví như trong các đường mang tên các anh hùng, có tên anh hùng Nguyễn Viết Ninh - người có câu nói nổi tiếng được khắc lên báng súng và được anh em mặt trận Vị Xuyên coi như lời thề trên đá: “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử”. Gần 10 năm trước, khi phát hiện anh hy sinh vào chiều 29 Tết, chúng tôi đã từ Hà Giang về chính quê nhà anh đúng dịp chuẩn bị giỗ để viết bài “Nằm lại Vị Xuyên trước lúc giao thừa”, những tư liệu về anh hùng Ninh được chúng tôi lưu kỹ, và khi triển khai tuyến bài này các tư liệu tích lũy được sử dụng. Cũng tương tự như thế với các anh hùng khác. Câu chuyện trải dài trên nhiều địa phương, nếu không có tích lũy tư liệu sẽ rất khó triển khai tốt các ý tưởng của mình!
Năm nay, khi thông báo được trao giải A cho tác phẩm “Dòng tên trên đá núi, đã thành tên phố phường” tôi nghĩ mỗi biển tên đường mang tên anh hùng trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, ở Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu, Lạng Sơn, Quảng Ninh… chính là những trang sử sinh động minh chứng cho niềm thao thức của đất nước của nhân dân, rằng “không ai, không điều gì bị lãng quên”.
Lê Đức Dục
Ý kiến bạn đọc