Multimedia Đọc Báo in

Khi nhà báo có thương hiệu

07:35, 27/06/2023

Khi xem/nghe/đọc một sản phẩm báo chí nào đó, công chúng thường để ý đến cái tên của nhà báo.

Điều đó không lạ, bởi nhà báo càng có tên tuổi, uy tín thì càng thu hút nhiều người xem/nghe/đọc đến với mình, từ đó có sức ảnh hưởng, lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng và xã hội. Một nhà báo đạt tầm mức ấy, xin mượn thuật ngữ kinh tế hiện đại để gọi là nhà báo có “thương hiệu”.

Để có thương hiệu, buộc nhà báo phải thường xuyên học hỏi, trau dồi đạo đức, chuyên môn nghề nghiệp nhằm hứa hẹn sự sáng tạo gắn liền với hiệu quả công việc rất cao và chuyên nghiệp. Thương hiệu của nhà báo được định danh thông qua sức lao động và sản phẩm của họ làm ra luôn chiếm được niềm tin, sự hài lòng của người xem/nghe/đọc. Có được sản phẩm như thế phải nhận diện qua một số yếu tố. Thứ nhất là có niềm đam mê mạnh mẽ - đây là yếu tố tiên quyết, mấu chốt để phân biệt giữa họ (nhà báo có thương hiệu) với người khác. Thứ hai, phải hiểu biết sâu về lĩnh vực được phân công theo dõi, sự hiểu biết ấy luôn được dẫn dắt bởi niềm đam mê để họ không ngừng đầu tư thời gian, công sức tối đa cho việc tìm kiếm thông tin, tri thức phục vụ người xem/nghe/đọc. Thứ ba là khả năng cảm thụ tinh tế và nhanh nhạy giúp nhà báo có thể khai thác tận cùng vấn đề mà người khác không làm được, hoặc làm hời hợt.

Các nhà báo tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa. Ảnh: Duy Tiến

Dưới góc nhìn báo chí là hàng hóa, một loại hàng hóa đặc biệt thì dĩ nhiên người làm ra thứ hàng hóa ấy (từ bản tin, bài phản ánh, ghi chép, phỏng vấn, bình luận… đến phóng sự, điều tra) hẳn không phải ai cũng giống nhau về mặt phẩm cấp, chất lượng sản phẩm nhằm thỏa mãn người “người tiêu dùng” (xem/nghe/đọc). Nhà báo có thương hiệu với đầy đủ phẩm chất trên chắc chắn sẽ có sản phẩm tốt hơn so với đồng nghiệp khác - và vì thế trong muôn ngàn tên tuổi (bút danh) nhà báo hiện lên thường nhật trên các phương tiện truyền thông, người xem/nghe/đọc bao giờ cũng quan tâm, ưu ái hơn đối với những nhà báo thành danh. 

Trong nền kinh tế thị trường, hoạt động báo chí được coi là hoạt động kinh tế; thông tin là hàng hóa, có thể mua bán và chịu tác động của quy luật thị trường như tất cả các loại hàng hóa khác. Nhà báo và thông tin/tri thức của họ cung cấp ra thị trường, đáp ứng các nhu cầu về tư tưởng, văn hóa, lối sống, đạo đức của con người… bao giờ cũng được “người tiêu dùng” sàng lọc, chọn lựa và đặt niềm tin nơi những nhà báo có tâm, có tầm. Và một khi nhà báo có thương hiệu như thế (càng nhiều càng tốt) sẽ giúp các cơ quan báo chí có điều kiện định vị hình ảnh của mình trong dòng chảy truyền thông hiện nay.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc