Multimedia Đọc Báo in

Những biệt danh của nhà báo

09:22, 27/06/2023

Với nhiều người làm báo, ngoài tên thật và bút danh, họ còn được đồng nghiệp tặng thêm những biệt danh riêng.

Những cái tên ấy không chỉ thể hiện phần nào tính cách, lĩnh vực phụ trách của phóng viên, mà còn là sự thân tình, quý mến giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp, sự quan tâm theo dõi của bạn đọc, công chúng.

Công tác tại Báo Đắk Lắk từ năm 2009, đến nay nhà báo Hoàng Tuyết đã có 14 năm phụ trách lĩnh vực giao thông vận tải, an toàn giao thông. Xông xáo, lăn xả với nghề, với lĩnh vực và địa bàn phụ trách, chị được đồng nghiệp thương mến đặt biệt danh “Táo giao thông”.

Phóng viên Báo Đắk Lắk (bìa trái) cùng các đồng nghiệp phỏng vấn nhân vật.

Nắm mọi “ngóc ngách”, tình hình giao thông của tỉnh, nhà báo Hoàng Tuyết thường xuyên có những đề tài, bài viết mang đậm hơi thở cuộc sống. Từ sự cố cầu đường xuống cấp, vỡ đê bao, đến những điểm sạt lở giao thông, thi công công trình chậm, tình trạng khai thác cát trái phép trên sông… Cũng có khi, vì thực hiện các bài viết đụng vào lợi ích nhóm, chị đã bị nhóm đối tượng lạ mặt dọa dẫm, ức hiếp.

Đầu năm 2023, chị cùng đồng nghiệp đi lấy tư liệu để thực hiện loạt bài “Sạt lở bờ sông - Vì đâu nên nỗi” (4 kỳ), khi đang tác nghiệp ở một bãi tập kết cát, các nhà báo bị 3 đối tượng xăm trổ chặn xe đòi kiểm tra máy ảnh, xóa ảnh chụp. Chị tâm tình: “Thường khi tác nghiệp ở những “điểm nóng”, tôi luôn cố gắng nhớ rõ mặt đối tượng mình chạm mặt, biển số xe và nhắn ngay thông tin cho người thân hoặc cơ quan chức năng để họ lập tức can thiệp, hỗ trợ an toàn”.

“Nhỏ mà có võ” là biệt danh mà đồng nghiệp vẫn hay gọi nhà báo Nguyễn Xuân. Từng phụ trách nhiều lĩnh vực khác nhau cùng thái độ làm việc trách nhiệm, nhiệt tình, chị đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm cho mình. Xuyên suốt quá trình tác nghiệp, mỗi tác phẩm của chị luôn bám sát nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, viết “đúng” và “trúng” vấn đề. Bám sát thực tế cuộc sống, thường xuyên đi cơ sở, nhà báo Nguyễn Xuân có nhiều bài viết phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên các cấp; những hiến kế, cách làm hay trong tạo nguồn đảng viên, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh. Chị chia sẻ: “Chịu khó nghiên cứu các loại văn bản của Đảng; lắng nghe ý kiến phản ánh của đại biểu tại các cuộc họp là một trong những kênh khai thác đề tài, thông tin hiệu quả, giúp phóng viên “làm không hết việc””.

Được đánh giá là một trong những “chân chạy” của Báo Đắk Lắk, nhà báo Đỗ Lan luôn bám sát kế hoạch Ban Biên tập phân công, thực hiện mọi đề tài, mảng phụ trách nhanh chóng với những thông tin hấp dẫn, đậm tính thời sự. Ghi dấu ấn với mảng thị trường, nhiều năm qua, chị thường xuyên, liên tục cập nhật và thông tin kịp thời những chủ trương, biện pháp của trên trong các hoạt động thương mại, dịch vụ, hàng hóa. Rất nhiều vấn đề nóng bỏng trên mặt trận chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; sở hữu trí tuệ đã được nhà báo Đỗ Lan theo dõi, thông tin kịp thời, có những bài chuyên sâu, dài kỳ.

Phóng viên các báo, đài trong lần tác nghiệp tại Hội voi Buôn Đôn.

Là “phái yếu”, nhưng nghề báo đâu phân biệt nam nữ, sớm khuya. Nghề cũng không có giờ hành chính hay ngày nghỉ, nên “phóng viên thị trường” Đỗ Lan sẵn sàng có mặt trên từng cây số, xuyên đêm theo chân lực lượng chức năng truy bắt hàng giả, hàng lậu lộng hành. Không chỉ thức trắng ngày đêm để bám sát “đường đi” tinh vi của “hàng”, chị còn nhanh chóng cập nhật diễn tiến vụ việc, đáp ứng nhu cầu thông tin của đông đảo bạn đọc…

Ở Báo Đắk Lắk, còn rất nhiều tên lĩnh vực, địa bàn phụ trách gắn liền với tên của phóng viên. Ví như “Táo y tế” (phóng viên phụ trách mảng y tế), “Táo giáo dục” (phóng viên phụ trách mảng giáo dục”,  “phóng viên súng đạn” (phóng viên phụ trách mảng lực lượng vũ trang). Hay như khi nhắc đến lĩnh vực văn hóa, môi trường, lâm nghiệp, công nghiệp… thì hẳn nhiên những phóng viên phụ trách mảng luôn được nhắc nhớ với những dấu ấn riêng. Đó vừa là cách gọi vui, cũng là “thương hiệu” để mỗi người thêm động lực, trách nhiệm, tận tâm hơn trong nghiệp đi và viết.

Bảo Minh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động
Tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với cán bộ công đoàn, đoàn viên và người lao động tỉnh năm 2024 diễn ra sáng 3/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà khẳng định, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng và Nhà nước.