Multimedia Đọc Báo in

Sự quan tâm của gia đình: Tăng miễn dịch cho trẻ trước hiểm họa ma túy

09:14, 30/06/2023

Mười tuổi hút thuốc lá, mười ba tuổi đã thử qua nhiều loại chất kích thích, thay vì đến trường như bao bạn bè, N.M. (SN 2010, ở huyện Cư M’gar) đã phải đến điều trị cai nghiện tại Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đứng chân tại xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc).

Theo lời tâm sự của M., em từng là học sinh khá, được bố mẹ thương yêu, cưng chiều. Tuy nhiên, từ khi có hai em trai, em cảm thấy bố mẹ ít dành thời gian cho mình, thiên vị các em hơn. Dần dần, em nảy sinh suy nghĩ và hành động chống đối, cãi lời cha mẹ, bỏ bê học hành. Nhiều lần bỏ nhà đi theo bạn bè, em tập tành hút thuốc lá rồi đến thuốc lá điện tử, bóng cười, ketamin, thuốc lắc, ma túy đá…

Học hành sa sút, trí nhớ suy giảm do tác dụng của các chất kích thích, em nghỉ học khi đang dang dở chương trình lớp 6. Cuối năm 2022, M. được nhóm bạn đưa đến ở cùng trong nhà trọ tại thị xã Buôn Hồ rồi làm phục vụ ở các quán karaoke, quán cà phê… để kiếm tiền ăn chơi, mua ma túy. Càng đau xót hơn khi trong thời gian ấy, không ít lần em bị xâm hại, lạm dụng bởi nhiều đối tượng.

Để kéo con trở lại với gia đình, cha mẹ M. đã phải nhờ đến sự can thiệp của công an và phải bỏ ra khoản tiền không nhỏ trả nợ cho việc mua ma túy của con mình. Sau đó, M. được gia đình gửi đi cai nghiện tự nguyện với mong muốn duy nhất là con tìm thấy đường về, được sống đúng với lứa tuổi.

H.T.T. (bìa trái) tham gia lao động tại Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy.

Ở khu B của Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy còn có 4 học viên nam được tiếp nhận khi chưa đủ 18 tuổi. H.T.T. (SN 1995, ở huyện Krông Ana) vào điều trị đã hơn một năm nhưng chưa từng có người thân vào thăm. T. cho biết, cha mẹ ly hôn khi em mới 5 tuổi. Em được bà ngoại chăm sóc và hầu như không nhận được sự quan tâm nào từ cha mẹ bởi cả hai đều đã có gia đình mới. Mười tuổi, em đã bắt đầu sử dụng ma túy đá theo rủ rê của bạn bè và bỏ học ít lâu sau đó.

Ban đầu, những người bạn xấu mời em dùng thử rồi bắt góp tiền chung mới cho sử dụng. Mỗi tuần, em cùng nhóm bạn sử dụng ma túy đá 3 – 4 lần, mỗi lần từ 300 – 500 nghìn đồng. Để có tiền sử dụng ma túy, em đã trộm cắp tiền, tài sản của gia đình và những người xung quanh. Giữa năm 2022, T. bị lực lượng chức năng phát hiện hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.

Có thể thấy, việc trẻ em, trẻ vị thành niên sử dụng các chất kích thích, ma túy đã trở thành vấn nạn nhức nhối của xã hội. Trong độ tuổi có sự thay đổi phức tạp về tâm lý, tình cảm, nếu các em ít nhận được sự quan tâm, giáo dục từ gia đình, thiếu người chia sẻ, động viên, thấu hiểu sẽ dễ bị các đối tượng xấu lôi kéo, dụ dỗ và sa chân vào con đường nghiện ma túy và các chất kích thích.

Phân cảnh học sinh bị bạn bè xấu lôi kéo sử dụng ma túy trong một tiểu phẩm tại Hội thi Tuyên truyền kiến thức pháp luật về phòng, chống ma túy tại Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy.

Theo ông Đỗ Danh Nguyên, Trưởng Phòng Tư vấn tâm lý trị liệu, giáo dục phục hồi hành vi Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy, bên cạnh nỗ lực của cơ quan chức năng và nhà trường, các bậc cha mẹ cần đặc biệt quan tâm, giáo dục trẻ về tác hại của ma túy, phương thức dụ dỗ, lôi kéo của các đối tượng xấu. Trước thực trạng các loại ma túy ngày càng đa dạng, núp bóng tinh vi dưới nhiều vỏ bọc, phụ huynh phải thường xuyên cập nhật thông tin, chủ động trao đổi với con em mình. Bên cạnh đó, cần xây dựng một môi trường lành mạnh, hạnh phúc, trong chính mỗi gia đình để các em được nâng cao khả năng miễn dịch với các tệ nạn xã hội, tránh xa ma túy.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc