Multimedia Đọc Báo in

Xử lý, xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm về an ninh, an toàn thực phẩm

09:40, 24/06/2023

UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về “Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới” trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch được triển khai với mục tiêu chung là phát huy vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và nhân dân trong việc bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Phấn đấu thực phẩm được sản xuất, kinh doanh, lưu thông và tiêu dùng trên địa bàn tỉnh cơ bản đều là thực phẩm an toàn; bảo đảm về an ninh thực phẩm, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

th
Bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030: 100% cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được tư vấn, hướng dẫn và kiểm tra, giám sát điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm; 100% đơn vị cấp huyện xây dựng và duy trì các mô hình chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn; 100% cơ sở dữ liệu về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm của tỉnh được liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành; tỷ lệ ca mắc ngộ độc trong các vụ ngộ độc thực phẩm được ghi nhận hằng năm là dưới 7 ca/100.000 dân.

Để hoàn thành mục tiêu trên, UBND tỉnh đề ra các các giải pháp cụ thể: Tăng cường sự chỉ đạo của UBND các cấp đối với công tác an ninh, an toàn thực phẩm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và vận động thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh, an toàn thực phẩm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về an ninh, an toàn thực phẩm; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý an ninh, an toàn thực phẩm.

Đồng thời, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách; khuyến khích phát triển nền nông nghiệp hữu cơ xanh và sạch; tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và bảo đảm các nguồn lực cho công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong công tác giám sát, tuyên truyền, hướng dẫn, vận động thực hiện bảo đảm an toàn thực phẩm.

UBND tỉnh đề nghị Sở Y tế chủ trì, tổ chức, triển khai thực hiện các hoạt động bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của ngành y tế. Chủ động, phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an ninh, an toàn thực phẩm; cung cấp tài liệu truyền thông về an ninh, an toàn thực phẩm đến các ngành, các địa phương trong các đợt cao điểm về an toàn thực phẩm. Tăng cường thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo phân công, phân cấp của ngành y tế. Xử lý, xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm về an ninh, an toàn thực phẩm và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định. Chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan kiểm tra, hậu kiểm kịp thời các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm sau công bố.

UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục kiện toàn, nâng cao năng lực cho các đơn vị quản lý chuyên ngành về an toàn thực phẩm, Ban Chỉ đạo liên ngành cấp huyện và cấp xã để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý; đưa tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; phân công rõ trách nhiệm của từng cá nhân, cơ quan, đơn vị và kiểm tra, kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện định kỳ hàng năm. Gắn trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã trong việc thực hiện quản lý bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm ở địa phương.

Cùng với đó, phối hợp với các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và các cơ quan, đơn vị tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh ban hành các quyết định, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, cơ chế chính sách về quản lý an ninh, an toàn thực phẩm; triển khai quy hoạch, xây dựng các khu giết mổ tập trung, các chợ đảm bảo an toàn thực phẩm, các vùng sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn với quy mô tập trung; xây dựng và nhân rộng mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình OCOP; xây dựng mô hình điểm xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí an toàn thực phẩm. Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu giết mổ động vật tập trung, khu sản xuất chế biến thực phẩm an toàn…

Hồng Chuyên

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.