Multimedia Đọc Báo in

Ý nghĩa từ những lớp dạy bơi miễn phí

08:22, 14/06/2023

Đuối nước ở trẻ em luôn là nỗi lo thường trực của mỗi gia đình, nhất là ở vùng nông thôn khi mùa hè đến.

Thời gian qua, nhiều lớp dạy bơi miễn phí được tổ chức ở các địa phương, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh, qua đó góp phần phòng, chống tai nạn thương tích (TNTT), đuối nước ở trẻ em.

Sôi nổi các lớp dạy bơi miễn phí

Những ngày qua, tại thôn Hiệp Đoàn (xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar), không khí trở nên nhộn nhịp hơn khi trẻ em nơi đây rủ nhau đi học bơi tại lớp dạy bơi miễn phí do Câu lạc bộ (CLB) Vì đàn em thân yêu (trực thuộc Hội đồng Đội huyện Cư M’gar) phối hợp cùng Đoàn xã Quảng Hiệp tổ chức.

Anh Mai Văn Chuyền, Chủ nhiệm CLB, giáo viên dạy bơi tại lớp học chia sẻ, địa hình thôn Hiệp Đoàn có nhiều ao, hồ sâu nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra đuối nước nên CLB triển khai dạy bơi miễn phí cho các em ở đây. Chỉ sau một thời gian ngắn phát động, đã có hơn 90 em không chỉ ở thôn Hiệp Đoàn mà còn ở một số thôn lân cận như: Hiệp Hưng, Hiệp Hòa.... đăng ký. Em Cao Lâm Hoàng Khang (12 tuổi) hào hứng bày tỏ: “Lần đầu tiên học bơi, em cảm thấy bộ môn này cũng không quá khó, vì vậy sẽ cố gắng luyện tập, sớm biết bơi thành thạo”.

Lớp dạy bơi miễn phí tại thôn Hiệp Đoàn (xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) hè năm 2023.

Được biết, trong hè năm 2023, sau khi kết thúc lớp dạy bơi ở xã Quảng Hiệp, CLB sẽ tiếp tục di chuyển bể bơi di động đến một xã khác trên địa bàn huyện Cư M'gar để dạy miễn phí; đồng thời tổ chức thêm một buổi tuyên truyền kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước, sơ cấp cứu cho phụ huynh và học viên ở các lớp học.

Thị Đoàn Buôn Hồ cũng vừa phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã tổ chức lớp dạy bơi miễn phí cho 60 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại xã Ea Drông. Theo anh Nguyễn Văn Đăng, Bí thư Thị Đoàn, trong những năm qua, Thị Đoàn đã vận động nguồn kinh phí xã hội hóa để tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí nhằm trang bị kỹ năng bơi lội cho trẻ em. Trong dịp hè năm nay, đơn vị sẽ triển khai 3 lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại các địa phương như: xã Ea Drông, xã Cư Bao và phường Thiện An. Dự kiến vào tháng 8 sẽ tổ chức giải bơi thanh thiếu niên nhi đồng, qua đó thúc đẩy phong trào học và dạy bơi trên địa bàn, góp phần phòng, chống đuối nước.

Vì sự an toàn của trẻ

Những năm trở lại đây, nhiều lớp dạy bơi miễn phí đã được các cấp Đoàn, Đội trên địa bàn tỉnh tổ chức trong dịp hè, qua đó tạo thêm sân chơi lành mạnh cho trẻ em, đồng thời trang bị kỹ năng bơi lội.

Trong 3 năm qua, CLB Vì đàn em thân yêu đã nỗ lực vận động nguồn lực, mua và lắp ráp được 3 bể bơi di động, di chuyển đến các thôn, buôn đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh phục vụ việc dạy bơi, nhờ đó đã có hàng trăm trẻ em được phổ cập bơi miễn phí. Từ tháng 10/2022 đến tháng 5/2023, CLB đã đến 31 trường học trên địa bàn tỉnh, tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho hơn 17.000 lượt học sinh về các nội dung phòng, chống đuối nước.

Đoàn viên, thanh niên cắm biển cảnh báo phòng, chống đuối nước tại một số ao, hồ, đập trên địa bàn thị xã Buôn Hồ.

Tại thị xã Buôn Hồ, các liên đội mỗi năm có một hoạt động chuyên đề về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước ở học sinh. Trong chiến dịch “Hoa phượng đỏ” năm nay, Hội đồng Đội thị xã cũng triển khai trọng tâm vào các nội dung: giáo dục kỹ năng sống, phòng, chống TNTT, đuối nước cho trẻ. Các cơ sở Đoàn của thị xã đã tổ chức cắm biển cảnh báo phòng, chống đuối nước tại một số ao, hồ, đập trên địa bàn, trong Chiến dịch Tình nguyện hè năm 2023, cùng với các lớp dạy bơi miễn phí, hoạt động này sẽ tiếp tục được triển khai.

Anh Trần Doãn Tới, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh đánh giá: “Các cấp bộ Đoàn, Đội trong toàn tỉnh xác định công tác phòng, chống TNTT về đuối nước là một nhiệm vụ trọng tâm. Nhiều đơn vị đã có cách làm sáng tạo, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, phổ biến việc dạy bơi trên địa bàn dân cư, góp phần giúp trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận với hoạt động bơi một cách bài bản, hiệu quả”.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.