Multimedia Đọc Báo in

Kết nối thanh niên

08:28, 14/07/2023

Tỉnh Đắk Lắk hiện có gần 294.000 thanh niên, trong đó thanh niên dân tộc thiểu số chiếm 30,4%; thanh niên tôn giáo chiếm hơn 22,3%.

Thời gian qua, trong công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên, các cấp bộ Đoàn đã vận dụng sáng tạo nội dung vào chương trình công tác, gắn với các nhiệm vụ chính trị, đặc thù tại từng địa bàn.

Nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng

Nhằm tạo điều kiện cho thanh niên làm giàu chính đáng trên quê hương mình, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã có các hoạt động hỗ trợ được xác định khá toàn diện, phù hợp với nhu cầu thực tế của thanh niên trong quá trình khởi nghiệp.

Theo đó, các đơn vị đã hỗ trợ, tư vấn khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp; hỗ trợ về vốn vay cho thanh niên để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm; hỗ trợ đào tạo, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho thanh niên; hỗ trợ liên kết bảo đảm đầu ra cho các loại sản phẩm hàng hóa trong các mô hình khởi nghiệp của thanh niên…

Tỉnh Đoàn tổ chức tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ Đoàn.

Là thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu của tỉnh với mô hình kinh tế nông nghiệp sạch, anh Y Phi On Mlô (thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng) đã được tổ chức Đoàn địa phương tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nông nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật và được Tỉnh Đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh hỗ trợ vốn khởi nghiệp. Đó là một trong những tiền đề giúp cho mô hình “Mập Farmer” của anh thành công, tạo ra được các sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Anh Y Phi On chia sẻ: “Ở địa phương hiện nay rất nhiều bạn trẻ có nhu cầu, nguyện vọng làm kinh tế, lập nghiệp và khởi sự doanh nghiệp. Tuy nhiên trên thực tế, các bạn chưa có kinh nghiệm, thiếu vốn đầu tư nên gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế, sự hỗ trợ từ tổ chức Đoàn - Hội địa phương là rất cần thiết. Nắm bắt được nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên là một trong những yếu tố cần thiết để thu hút các bạn trẻ đến gần, gắn bó hơn với tổ chức Đoàn, từ đó góp phần xây dựng buôn làng ngày càng ấm no, giàu đẹp”.

Tỉnh Đắk Lắk hiện có trên 12.500 sinh viên, trong đó có hơn 3.800 sinh viên dân tộc thiểu số đang theo học tại 12 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn. Để đồng hành cùng các bạn trẻ, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động như  tư vấn, định hướng, giáo dục nghề nghiệp và các cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng; biểu dương, tôn vinh các tấm gương sinh viên tiêu biểu; đa dạng hóa các hình thức tiếp sức đến trường đối với học sinh, sinh viên... Bên cạnh đó, các chính sách đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số như: hỗ trợ học bổng, miễn lệ phí thi hoặc tuyển sinh, hỗ trợ tiền tàu xe, giảm học phí… đã tiếp thêm động lực cho học sinh, sinh viên đến trường, học tập tốt, cùng góp sức vào công tác đoàn kết tập hợp thanh niên.

Em Y Un Diễm (sinh viên năm 2, Trường Đại học Tây Nguyên) vừa có thành tích học tập tốt, vừa là sinh viên 5 tốt cấp tỉnh. Y Un Diễm tâm sự, khi theo học đại học, em nhận được nhiều chính sách ưu đãi như tiền hỗ trợ 3,6 triệu đồng/tháng dành cho sinh viên sư phạm; các học bổng dành cho sinh viên dân tộc thiểu số. Qua đó, Y Un Diễm có thêm chi phí để trang trải cuộc sống, học hành, nỗ lực trở thành sinh viên ưu tú, truyền cảm hứng đến các bạn sinh viên dân tộc thiểu số khác.

Nâng chất tổ chức Đoàn

Nhằm thu hút, tập hợp thanh niên vào tổ chức Đoàn, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo các cơ sở Đoàn triển khai hiệu quả các hoạt động, phong trào. Hằng năm, Tỉnh Đoàn đã tổ chức “Ngày đoàn viên” cấp tỉnh và chỉ đạo các cơ sở Đoàn tổ chức tại địa phương, đơn vị với hoạt động đa dạng, thiết thực, hấp dẫn đoàn viên, thanh niên. Công tác phát triển đoàn viên mới được chú trọng gắn liền với đảm bảo quy trình thủ tục chặt chẽ, tăng cường tổ chức kết nạp đoàn viên tại di tích lịch sử, địa chỉ đỏ, góp phần bồi đắp lòng yêu nước, niềm tự hào của thanh niên khi được trở thành đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh.

Đoàn viên, thanh niên tham gia Trại huấn luyện Kỹ năng thủ lĩnh thanh niên năm 2023.

Các cấp bộ Đoàn đã thành lập, phát triển và tăng cường kết nối các tổ, đội, nhóm, câu lạc bộ thanh niên theo ngành nghề, sở thích để thanh niên giúp nhau cùng tiến bộ; tăng cường tập hợp, đoàn kết thanh niên ở địa bàn dân cư, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số, vùng tôn giáo, trong khu, cụm công nghiệp.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Y Lê Pas Tơr cho biết, để đoàn kết tập hợp thanh niên trong thời gian tới, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh xác định cần làm tốt công tác phát động quần chúng tại cơ sở nhằm đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; vận động cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu niên, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo tại địa phương tích cực tham gia tuyên truyền pháp luật; thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp và đa dạng hóa các nguồn quỹ để tạo điều kiện cho thanh niên phát triển kinh tế.

Các cấp bộ Đoàn tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Đoàn kết 3 lực lượng” trong khối lực lượng vũ trang, thanh niên trường học, thanh niên địa bàn dân cư; duy trì hoạt động của các mô hình điểm về đoàn kết tập hợp thanh niên dân tộc, thanh niên tôn giáo; triển khai các công trình, phần việc thanh niên gắn với việc tham gia giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.

Anh Phương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.