Multimedia Đọc Báo in

Ngăn ngừa nguy cơ mắc viêm não Nhật Bản bằng vắc xin

08:23, 12/07/2023

Bệnh viêm não Nhật Bản (VNNB) thường có xu hướng tăng cao vào các tháng mùa hè, có bệnh cảnh rất nặng, nguy cơ tử vong cao, khả năng lây lan mạnh.

Để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh, tiêm vắc xin phòng viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch vẫn đang là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.

VNNB hiện chiếm khoảng 10 - 15% tổng số các trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút. Chỉ trong tháng 6/2023, toàn tỉnh đã ghi nhận hai trường hợp bệnh nhi mắc viêm não Nhật Bản.

Chăm sóc con đang điều trị bệnh VNNB tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, chị H’Phen Buôn Yă (trú xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc) chia sẻ, khoảng giữa tháng 6 vừa qua, cậu con trai tuổi vừa lên 4 của chị có dấu hiệu sốt, nôn ói nên gia đình đưa đến Trung tâm Y tế huyện Krông Pắc nhập viện điều trị. Tuy nhiên, bệnh tình chuyển biến nặng nên bé tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Kết quả xét nghiệm sau đó cho thấy con trai chị dương tính với vi rút VNNB. Được bác sĩ thông tin về mức độ nguy hiểm và di chứng nặng nề của bệnh, chị H’Phen càng thêm rối bời bởi con trai chị chưa tiêm vắc xin phòng VNNB.

Nhân viên y tế huyện Lắk hướng dẫn người dân cách loại bỏ dụng cụ chứa nước gây lăng quăng/bọ gậy.

Trước đó không lâu, tại phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ cũng ghi nhận một bệnh nhi 11 tuổi mắc bệnh VNNB. Ngay sau khi ghi nhận thông tin về trường hợp này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Y tế thị xã Buôn Hồ và Trạm Y tế phường An Lạc điều tra, giám sát dịch tễ và đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp phòng bệnh cho người dân.

Kết quả kiểm tra cho thấy, tại phường An Lạc, số lượng trẻ được tiêm vắc xin phòng VNNB mũi 1, mũi 2 và mũi 3 đạt chỉ tiêu, cho thấy người dân đã có ý thức khá cao trong việc tiêm vắc xin phòng bệnh VNNB cho trẻ. Tuy nhiên, quá trình điều tra véc tơ truyền bệnh tại khu vực ghi nhận bệnh nhân mắc bệnh, đoàn kiểm tra phát hiện có sự hiện diện của véc tơ truyền bệnh VNNB (muỗi, lăng quăng/bọ gậy).

Trước tình hình đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã hướng dẫn Trung tâm Y tế thị xã Buôn Hồ và Trạm Y tế phường An Lạc tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh tại địa phương, triển khai phun hóa chất phòng vec tơ truyền bệnh VNNB và thực hiện nghiêm túc việc thống kê, báo cáo tình hình dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế.

Đánh giá thực trạng và mức độ nguy hiểm của bệnh VNNB, bác sĩ CK II Hoàng Ngọc Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, thông thường vào mùa hè, khoảng tháng 5, 6, 7 sẽ gia tăng các trường hợp trẻ mắc các bệnh về viêm não nói chung và VNNB nói riêng.

Điều đáng lo ngại là bệnh đang có chiều hướng gia tăng so với các năm trước. Hầu hết các trẻ mắc VNNB khi nhập viện điều trị đã ở vào tình trạng nặng, li bì, hôn mê, rối loạn tri giác gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Nếu trẻ được phát hiện và đưa đến cơ sở y tế sớm, quá trình điều trị sẽ dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, hầu hết trẻ mắc VNNB khi nhập viện đã vào thể cấp tính, co giật, hôn mê, tỷ lệ để lại di chứng rất cao từ 50% trở lên như rối loạn thần kinh thực vật, di chứng về thần kinh, co giật liên tục… khiến trẻ phải điều trị gần như suốt đời.

Ngành y tế kiểm tra véc tơ truyền bệnh viêm não Nhật Bản.
 

Tiêm vắc xin phòng viêm não Nhật Bản đầy đủ, cơ thể của trẻ sẽ có khả năng miễn dịch chủ động, chống lại sự tấn công của vi rút gây bệnh và nếu có mắc bệnh, các di chứng để lại cho trẻ sẽ giảm rất nhiều; hiện tại, tiêm vắc xin là cách phòng bệnh viêm não Nhật Bản hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất” .

 

Bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

 

Theo bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, mùa mưa là thời điểm bệnh VNNB bùng phát, muỗi thường phát triển mạnh mẽ trong điều kiện thời tiết này. Bất cứ đối tượng nào cũng phải đối mặt với nguy cơ mắc VNNB, trong đó phần lớn bệnh nhân là trẻ nhỏ.

Đáng nói, trẻ em chưa biết cách tự chăm sóc, bảo vệ bản thân, chưa thể thông báo cho người lớn các triệu chứng bất thường, do đó, bệnh nhi thường có diễn biến bệnh nghiêm trọng, tính mạng bị đe dọa.

Với mức độ nguy hiểm của bệnh VNNB, bên cạnh các biện pháp phòng bệnh bằng cách phòng muỗi đốt, vệ sinh môi trường sống thì các bậc phụ huynh nên lưu ý chủ động cho trẻ tiêm vắc xin phòng VNNB sớm.

Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương, cần phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Điểm rất tích cực là từ năm 2015, chương trình tiêm chủng mở rộng đã triển khai tiêm vắc xin phòng VNNB hằng tháng ở tất cả các trạm y tế. Việc triển khai tiêm vắc xin hằng tháng sẽ giúp tạo được miễn dịch sớm, kịp thời ngay khi trẻ tròn 1 tuổi. Đây là nỗ lực lớn của ngành y tế góp phần tích cực mang lại quyền lợi nhiều hơn nữa cho người dân vì mục tiêu nâng cao hiệu quả phòng, chống bệnh VNNB trên toàn quốc. Để phòng bệnh hiệu quả, cần tiêm vắc xin phòng VNNB với 3 liều cơ bản: mũi 1 lúc trẻ được 1 tuổi; mũi 2 sau mũi 1 từ 1 - 2 tuần; mũi 3 cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3 - 4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.