Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực nâng cao tỷ lệ tiêm chủng tại xã Cư Kbang

06:14, 20/07/2023

Cách trung tâm huyện Ea Súp gần 20 km, xã Cư Kbang hiện có 14 thôn, hơn 12.000 dân, với trên 98% là các dân tộc thiểu số như: người Mông, Dao, Tày, Nùng... di cư từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào.

Do đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, trình độ nhận thức về tầm quan trọng của việc tiêm chủng mở rộng còn hạn chế nên những năm qua, cán bộ y tế luôn nỗ lực triển khai nhiều biện pháp để nâng cao ý thức người dân trong việc tiêm chủng.

Đang mang thai tháng thứ sáu nhưng chị Sùng Thị Sai (trú tại thôn 14, xã Cư Kbang) chưa đi khám thai và tiêm vắc xin phòng uốn ván. Chị Sai chia sẻ: “Tôi theo gia đình vào sinh sống tại đây được gần một năm. Từ trước đến nay, thấy mẹ và các chị em mang thai rồi vẫn sinh con khỏe mạnh bình thường, chẳng ai tới trạm y tế nên tôi cũng ở nhà. Nhờ có cán bộ y tế tới tư vấn, tôi mới biết mình cần phải khám thai định kỳ và tiêm vắc xin uốn ván để bảo vệ sức khỏe cho mẹ và con nên tôi sẽ sắp xếp công việc để ra trạm tiêm theo lịch mà cán bộ y tế đã thông báo”.

Cán bộ y tế tư vấn cho phụ nữ mang thai tại thôn 14 (xã Cư Kbang) nên đi tiêm uốn ván khi mang thai.

Một trường hợp khác cũng ở thôn 14, gia đình chị Vàng Thị Mài có hai người con 3 tuổi và 1 tuổi nhưng cả hai vẫn chưa tiêm đủ các mũi vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Theo chị Mài, khi con tiêm vắc xin về đau, sốt, vợ chồng chị rất lo lắng. Cho rằng vì tiêm vắc xin nên con mới bị bệnh nên chồng chị không cho chị đưa con đi tiêm các mũi còn lại. “Mấy lần cán bộ y tế thông báo lịch tiêm chủng và tới nhà vận động đưa trẻ đi tiêm vắc xin nhưng vì bận công việc, thêm nữa chồng cũng không đồng ý đưa con đi tiêm nên cả hai bé nhà tôi hầu như chưa tiêm đủ các mũi vắc xin. Vừa qua tôi nghe trong thôn có trường hợp bé mắc bệnh truyền nhiễm và tử vong, do đó tôi cũng rất lo lắng và sẽ động viên chồng để đưa con đi tiêm phòng đầy đủ”, chị Mài cho hay.

Gắn bó với công việc cộng tác viên y tế thôn đã nhiều năm, chị Lý Thị Kia, cộng tác viên y tế thôn 14 (xã Cư Kbang) cho biết: “Việc vận động người dân tại đây đi tiêm vắc xin rất khó khăn. Có những trường hợp mình đến nói chuyện, tư vấn, dặn dò người dân ra Trạm Y tế xã khám thai, tiêm uốn ván, đưa trẻ đi tiêm các mũi vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng nhưng họ không đi, với nhiều lý do như bận công việc, sợ tiêm về con bị sốt... Vì vậy chúng tôi phải thường xuyên tổ chức lồng ghép tuyên truyền trong các buổi họp thôn, xuống tận nhà dùng chính ngôn ngữ của người dân để trò chuyện, tư vấn cho họ hiểu. Nhờ đó mà thời gian qua, người dân đã dần ý thức hơn, công tác tiêm chủng cũng đạt được nhiều kết quả hơn…”.

Cán bộ y tế tuyên truyền cho người dân về tầm quan trọng của việc tiêm chủng.

Theo bác sĩ Hoàng Văn Bảy, Phó Trưởng Trạm Y tế xã Cư Kbang, để giúp người dân thay đổi nhận thức, hiểu biết rõ hơn về lợi ích tiêm phòng các loại vắc xin, từ đó tích cực đưa con em mình đến tiêm đầy đủ, đúng lịch, hằng tháng, trước mỗi buổi tiêm, các nhân viên y tế của Trạm và y tế thôn thường xuyên rà soát các đối tượng trong diện tham gia tiêm chủng; đồng thời đến các gia đình có con nhỏ từ 0 - 1 tuổi để thông báo và tuyên truyền nâng cao nhận thức của các gia đình về vai trò của tiêm chủng đối với an toàn sức khỏe cho con em… Nhờ đó, năm 2022, tỷ lệ tiêm chủng trên địa bàn xã Cư Kbang đạt trên 90% đối tượng quản lý.

Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các dịch vụ tiêm chủng an toàn, chất lượng, Trung tâm Y tế huyện Ea Súp phối hợp với Trạm Y tế xã Cư Kbang thường xuyên cập nhật thông tin tiêm chủng, tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế, nhân viên thực hiện công tác tiêm chủng; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về các lợi ích của tiêm chủng phòng bệnh và những rủi ro có thể gặp phải để người dân yên tâm, tin tưởng vào công tác tiêm chủng phòng bệnh chủ động. Đồng thời, Trung tâm Y tế huyện đã linh động đặt các điểm tiêm lưu động trong khu dân cư. Hiện Trung tâm đang lên kế hoạch thực hiện hai điểm tiêm lưu động đặt tại thôn 14 và thôn 16 để đẩy mạnh việc tiêm vắc xin, tiêm bù, tiêm vét cho người dân đang sinh sống tại đây.

Phương Nhiên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.