Multimedia Đọc Báo in

Phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện: Cần giải pháp kích cầu

08:14, 19/07/2023

Thời gian qua, việc tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) luôn nhận được sự quan tâm, đồng hành của các ban, ngành và địa phương. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của nền kinh tế và sự thay đổi của một số chính sách nên việc phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện gặp nhiều khó khăn.

Theo thống kê của BHXH tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2023, số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh là 17.656 người (đạt 76,03% kế hoạch); giảm 775 người so với cuối năm 2022, giảm 88 người so với cùng kỳ năm 2022.

Nguyên nhân chính là bởi việc điều chỉnh mức đóng BHXH tự nguyện theo quy định khiến nhiều người không tiếp tục tham gia do điều kiện kinh tế khó khăn, thu nhập hạn chế, không ổn định. Mặt khác, chính sách BHXH tự nguyện hiện nay chưa thật sự hấp dẫn, chế độ quyền lợi được hưởng còn hạn chế nên người dân chưa đầu tư nguồn tài chính dài hạn để tham gia…

Hơn thế nữa, nhận thức của một bộ phận người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT còn hạn chế, chưa đầy đủ; đặc biệt là người dân ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn còn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên không quan tâm và không tham gia…

Cán bộ BHXH huyện Ea H'leo (bìa phải) tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện.

Bên cạnh nguyên nhân từ phía người tham gia, thực tế cho thấy hiện nay cơ chế tài chính về các hình thức truyền thông như hội nghị truyền thông trực tuyến, nhóm nhỏ, lồng ghép; trên mạng xã hội… chưa được quy định cụ thể, ảnh hưởng tới việc thực hiện đổi mới công tác truyền thông. Trong công tác phối hợp tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh ở các xã, thị trấn chưa đáp ứng được các điều kiện về chứng từ thanh toán theo quy định; sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan còn gặp khó khăn ở cơ chế tài chính. Mặt khác, đa số nhân viên thu đang kiêm nhiệm nhiều việc, chưa bám sát địa bàn để vận động tuyên truyền, tư vấn trực tiếp cũng khiến chính sách BHXH tự nguyện chưa lan tỏa và đến với từng hộ dân.

Trong khi đó, nhóm lao động phi chính thức tại địa phương đang chiếm tỷ trọng lớn trong lực lượng lao động. Với người lao động tự do đang sinh sống tại nông thôn, nếu không có bảo hiểm thì khi về già gánh nặng sẽ đổ lên vai con cái họ và tạo gánh nặng lớn cho ngân sách nhà nước khi thực hiện các chính sách an sinh xã hội trong tương lai.

Nhân viên thu BHXH xã Hòa Thành, huyện Krông Bông (bên phải) tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện đến người dân.

Trước thực trạng đó, theo BHXH tỉnh, bên cạnh việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy nhanh phát triển người tham gia, đơn vị cũng đã kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh xem xét cân đối kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước của địa phương để hỗ trợ thêm mức đóng BHXH tự nguyện cho người tham gia; đồng thời, sẽ thông qua MTTQ kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các mạnh thường quân hỗ trợ thêm một phần kinh phí tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Thực tế cho thấy, muốn phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, ngoài việc kiên trì, bám sát tuyên truyền để giúp người dân dần thay đổi nhận thức và hiểu rằng BHXH chính là chính sách an sinh xã hội ưu việt của Đảng và Nhà nước, mở ra cơ hội được hưởng lương hưu cho tất cả người lao động thì đòi hỏi cần phải có thêm những giải pháp kích cầu và tăng thêm quyền lợi cho người tham gia. Hiện nay, vấn đề sửa đổi chính sách BHXH tự nguyện đang được xây dựng, tháo gỡ một số rào cản để hấp dẫn người dân tham gia hơn bằng việc thêm khoản trợ cấp thai sản, giảm thời gian đóng của người lao động, tăng khoản hỗ trợ từ ngân sách...

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Chủ động kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động
Tỉnh Đắk Lắk luôn tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nghề để người dân có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, có thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.