Multimedia Đọc Báo in

Phát huy vai trò của phụ nữ ở xã vùng biên

08:28, 14/07/2023

Krông Na là xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Buôn Đôn. Toàn xã có 1.660 hộ, hơn 6.000 khẩu với 13 dân tộc anh em cùng sinh sống; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 78,21%.

Trong những năm qua, công tác bình đẳng giới trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Krông Na Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, từ năm 2013 trở về trước, định kiến giới là một trong những nguyên nhân dẫn đến bất bình đẳng về giới trên địa bàn. Vai trò của phụ nữ trong hệ thống chính trị thôn, buôn không được đánh giá cao, vẫn còn quan điểm trọng nam khinh nữ.

Cán bộ Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk tuyên truyền Luật Bình đẳng giới cho người dân xã Krông Na.

Xác định việc nâng cao trình độ, dân trí cho người dân, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số được xem là giải pháp cấp thiết, do vậy, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ xã đã phối hợp với ngành giáo dục - đào tạo và bộ đội biên phòng mở các lớp xóa mù chữ trên địa bàn. Đến nay, tỷ lệ phụ nữ biết chữ đạt 98%, số lượng trẻ em bỏ học giảm theo từng năm, tỷ lệ lao động nữ được dạy nghề đạt 2,31%.

Ngoài ra, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ xã còn tích cực trong tham mưu hỗ trợ phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn phát triển kinh tế, có việc làm ổn định. Thông qua chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, đã có 85 gia đình phụ nữ được hỗ trợ vay vốn, tạo vốn khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp cho 8 hộ gia đình phụ nữ; 100% phụ nữ được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tham gia bảo hiểm y tế.

Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk tích cực hỗ trợ sinh kế cho các gia đình phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Krông Na.
 

“Tạo điều kiện giúp phụ nữ tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội chính là góp phần cải thiện đời sống, nâng cao trình độ dân trí, đảm bảo trật tự an toàn xã hội và chủ quyền quốc gia”.

 
Ông Y Lươm Knul, Phó Chủ tịch UBND xã, kiêm Trưởng Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ xã Krông Na

Bên cạnh đó, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ xã phối hợp vận động phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo sinh con đúng chính sách dân số; tổ chức nhiều buổi tọa đàm, các buổi sinh hoạt…; lồng ghép tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới, tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và hành động của cán bộ và nhân dân trong xã nhằm xóa bỏ tư tưởng trọng nam khinh nữ và các hành vi phân biệt đối xử về giới. Qua đó đã góp phần tạo môi trường phát triển cho phụ nữ, động lực giúp nhiều chị em phụ nữ tự tin đảm nhận những vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị từ cấp thôn, buôn đến cấp xã.

Minh chứng cụ thể là từ những chi bộ không có đảng viên nữ, hay tỷ lệ nữ giới tham gia các cấp ủy, hệ thống chính trị xã hội rất thấp thì nay tỷ lệ nữ giới tham gia trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội ngày càng tăng. Một số thôn, buôn đã có nữ bí thư, nữ buôn trưởng. Có những vị trí như chi hội nông dân trước đây “mặc định” là nam giới nhưng hiện nay, 6/8 chi hội trưởng chi hội nông dân được nữ giới đảm nhận. Toàn xã đã có 82 đảng viên nữ/225 đảng viên, chiếm hơn 36%.

Đặc biệt, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 đạt 33,33%; tỷ lệ nữ tham gia HĐND xã khóa XI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đạt 31,8%. Điều đó cũng khẳng định sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ là nữ giới tham gia các chức vụ trong Đảng ủy, các chức danh lãnh đạo quản lý nhà nước, đảm bảo tỷ lệ nữ giới tham gia các hoạt động chính trị của địa phương và phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

Nguyễn Ngọc Lân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.