Multimedia Đọc Báo in

Phát triển bảo hiểm xã hội bắt buộc: Bảo đảm an sinh cho người lao động

08:36, 31/07/2023

Những năm qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm gia tăng số người tham gia.

Bên cạnh các doanh nghiệp (DN) thực hiện tốt các chế độ, chính sách, hiện vẫn còn nhiều đơn vị, DN chưa tham gia hoặc tham gia chưa đầy đủ, trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động (NLĐ).

Gắn kết doanh nghiệp và lao động

Chính sách BHXH hiện đang được thực hiện với hai loại hình bắt buộc và tự nguyện. Trong đó, chính sách BHXH bắt buộc có vai trò đặc biệt quan trọng đối với NLĐ và DN.

Cụ thể, với DN, việc đóng BHXH đầy đủ cho NLĐ sẽ giúp họ có thêm động lực, gắn kết giúp phát triển sản xuất. Hơn nữa, đây còn là tiền đề quan trọng để thu hút NLĐ vào làm việc tại đơn vị mình. Còn đối với NLĐ, việc được tham gia BHXH không chỉ giúp họ ổn định cuộc sống ngay khi đang làm việc thông qua các chế độ: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, trợ cấp thất nghiệp… mà khi hết tuổi lao động và đủ điều kiện theo quy định, sẽ được chế độ hưu trí, lương hưu và BHYT miễn phí đến cuối đời. Như vậy rõ ràng, việc tham gia BHXH bắt buộc là sợi dây gắn kết NLĐ với DN; đồng thời cũng thể hiện trách nhiệm bảo vệ NLĐ khi gặp phải rủi ro của người sử dụng lao động. Đó cũng là giải pháp an sinh xã hội lâu dài.

Người lao động kiến nghị tại một buổi đối thoại với ngành bảo hiểm xã hội.

Công ty TNHH Thương mại An Trung Mạnh (Khu công nghiệp Hòa Phú) chuyên về gia công cơ khí và xử lý sắt thép, phế liệu, hiện có 230 lao động. Để đảm bảo các quyền lợi cho công nhân lao động cũng như ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, công ty luôn chú trọng thực hiện tốt các nghĩa vụ và trách nhiệm về BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ.

Ông Hồ Chí Thân, Phó Giám đốc công ty chia sẻ, đơn vị luôn xác định việc tham gia các chế độ về BHXH, BHYT, BHTN sẽ giúp NLĐ đảm bảo và ổn định cuộc sống; sẻ chia một phần khó khăn những lúc ốm đau, tai nạn. Cũng nhờ thực hiện tốt các chính sách BHXH nên trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, nhiều công nhân lao động đã được hưởng những chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định. Mặc khác, khi công nhân gặp sự cố tai nạn cũng được BHXH chi trả chế độ đầy đủ. Nhờ đó, NLĐ luôn yên tâm làm việc, cống hiến, gắn bó, đồng hành cùng DN.

Tại Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Trường Thành (huyện Ea H’leo), tất cả NLĐ có hợp đồng (400 lao động) của công ty đều được tham gia BHXH theo quy định. Việc DN tham gia đầy đủ chính sách BHXH đã giúp NLĐ ở đây yên tâm làm việc. Chị Trương Thị Thùy Phương, công nhân công ty cho biết, chị làm việc tại công ty được khoảng 10 năm, nhờ đơn vị tham gia đầy đủ chính sách BHXH nên các lần nghỉ thai sản, ốm đau chị đều được hưởng chế độ theo quy định, nhất là trong đợt dịch bệnh COVID-19, chị đã được nhận các khoản tiền hỗ trợ theo quy định.

Cần giải pháp quyết liệt

Để đảm bảo quyền được tham gia và thụ hưởng các chế độ về BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ, thời gian qua ngành BHXH đã phối hợp với đơn vị, địa phương triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động. Tuy nhiên, do các DN trên địa bàn tỉnh chủ yếu có quy mô nhỏ, phát triển chậm, chưa tạo được nhiều việc làm cho NLĐ, chưa có chính sách riêng biệt để thu hút lao động nên đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc rất ít.

Lao động làm việc tại Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Trường Thành.

Theo BHXH tỉnh, tình trạng trốn đóng, nợ đóng, đóng không đủ số người và mức đóng của các DN còn phổ biến; việc xử lý nợ tồn đọng, kéo dài (không có khả năng thu hồi) của DN đã dừng hoạt động, một số đơn vị sử dụng lao động kinh doanh gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh nhưng cũng có đơn vị viện cớ vào dịch bệnh để không thực hiện hoặc thực hiện một phần kết luận thanh tra, kiểm tra... dẫn đến tỷ lệ nợ BHXH, BHYT, BHTN còn cao.

Đặc biệt, có DN đăng ký thành lập nhưng khi đến kiểm tra thì không có trụ sở giao dịch hoặc thành lập xong không hoạt động hay hoạt động thời gian ngắn rồi giải thể; một số DN đăng ký tham gia BHXH, BHYT, BHTN để được đấu thầu công việc, sau đó ngừng tham gia, ngừng giao dịch trong thời gian dài.

Trong khi đó, công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN chưa đủ sức răn đe; công tác phối hợp thanh tra liên ngành còn hạn chế, kết quả chưa cao. Dù quy định cho phép tổ chức BHXH cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và khắc phục hậu quả chậm đóng khi đối tượng vi phạm không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt, thế nhưng khó khăn trong việc cưỡng chế đó là đơn vị cung cấp tài khoản nhưng trong tài khoản không có tiền để ngân hàng thực hiện chuyển tiền cưỡng chế và tiền khắc phục hậu quả chậm đóng.

Do đó, để tránh bị ảnh hưởng về quyền lợi cho NLĐ cũng như bảo đảm công tác an sinh xã hội thì cần những giải pháp quyết liệt hơn nữa. Trong đó, phải tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, xử lý sau thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật lao động tại DN; xử lý nghiêm đối với các DN cố tình nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ. Ngoài ra, mỗi đơn vị, DN cũng cần nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Luật BHXH, Luật BHYT để góp phần phát triển sản xuất...

Theo BHXH tỉnh, công tác phát triển người tham gia BHXH, BHTN có tăng nhưng chậm và thiếu bền vững. Tính đến cuối tháng 6/2023, toàn tỉnh có 107.611 người tham gia BHXH bắt buộc, tăng 665 người so với thời điểm cuối năm 2022, tăng 3.959 người so với cùng kỳ năm 2022.

Thùy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.