Multimedia Đọc Báo in

Tầm soát ung thư vú - việc làm cần thiết

09:13, 16/07/2023

Ung thư vú là bệnh ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Ung thư vú hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm. Vậy nên việc tầm soát giúp phát hiện sớm ung thư vú có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Phát hiện càng sớm việc điều trị càng đơn giản, hiệu quả điều trị càng cao, chi phí điều trị càng ít. Tuy nhiên, do yếu tố tâm lý nên nhiều phụ nữ Việt Nam còn e ngại, không đi khám sàng lọc để được phát hiện sớm; nhiều chị em đến khám khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn khiến việc điều trị khó khăn và tốn kém.

Theo thống kê của Tổ chức ghi nhận ung thư (Globocan) năm 2020, mỗi năm Việt Nam phát hiện 182.000 ca mắc mới ung thư. Trong 10 bệnh ung thư phổ biến ở nữ giới tại Việt Nam hiện nay, đứng đầu là ung thư vú với tỷ lệ người mắc bệnh cao nhất chiếm 25,8%, với gần 22.000 ca mắc mới và hơn 9.000 ca tử vong. Ung thư vú là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ trong độ tuổi từ 40 - 50 tuổi. Cứ 8 phụ nữ thì có một người được chẩn đoán mắc ung thư vú.

Cán bộ Trạm y tế xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn) tư vấn sức khỏe cho người dân trên địa bàn.

Do tâm lý chủ quan, phần lớn các trường hợp phát hiện khi đã vào những giai đoạn muộn. Đơn cử như trường hợp bà V.T.T. (66 tuổi, phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột), khoảng đầu năm 2022, bà T. cảm thấy hai bên tuyến vú của mình bị đau nhức nên mới đến bệnh viện thăm khám. Kết quả xét nghiệm cho thấy bà mắc phải ung thư vú giai đoạn 3 phải nhập viện điều trị.

“Tôi phát hiện mình có cục u nhỏ ở vùng vú đã lâu rồi, khi sờ cục u chạy hai bên vú. Tuy nhiên vì chủ quan không đi khám, cộng thêm công việc bận rộn, sau đó thấy cục u to lên bất thường, đau nhức, lan tỏa sang hai bên nách tôi mới đi khám”, bà T. nói.

Còn chị T.T.C.V. (49 tuổi, buôn Triết, huyện Lắk) là một bệnh nhân ung thư vú đã nhiều năm. Chị V. chia sẻ: “Vào năm 2019, trong một lần tắm, tôi thấy ở vú phải có một điểm hồng. Sau khi thấy dấu hiệu bất thường như vậy, tôi có đi khám sản phụ khoa. Sau đó, tôi được chỉ định làm các xét nghiệm chuyên sâu và phát hiện bị ung thư vú giai đoạn 2, có 10/20 hạch di căn. Tôi thu xếp công việc gia đình để nhập viện điều trị. Sau thời gian điều trị tình hình bệnh của tôi đã ổn định, đỡ lo lắng hơn”.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, tầm soát ung thư vú là việc kiểm tra tuyến vú trước khi xuất hiện các triệu chứng nhằm dự phòng ung thư. Mục tiêu của các xét nghiệm sàng lọc là để tìm ung thư ở giai đoạn sớm khi có thể điều trị hiệu quả. Phụ nữ không nên đợi đến khi có triệu chứng mới đi thăm khám, tầm soát. Vì ung thư vú diễn tiến âm thầm và hầu như không bộc lộ triệu chứng ở giai đoạn sớm. Các triệu chứng như đau, ngứa, tiết dịch, sùi loét… có thể tự phát hiện được là khi ung thư đã tiến triển, xâm lấn. Tầm soát ung thư vú nên thực hiện từ tuần đầu tiên đến tuần thứ 2 sau khi sạch kinh; tránh thực hiện trong kỳ kinh nguyệt và một tuần trước kỳ kinh để có kết quả chẩn đoán chính xác.

Bác sĩ CKI Nguyễn Viết Luân (Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) cho biết: Ung thư vú diễn tiến âm thầm và hầu như không bộc lộ triệu chứng ở giai đoạn sớm. Đáng lo ngại hơn, do yếu tố tâm lý nhiều chị em còn e ngại, trì hoãn việc khám sàng lọc để phát hiện bệnh sớm.

Phụ nữ nên thường xuyên tự kiểm tra tuyến vú của mình hằng tháng; đi khám tuyến vú định kỳ ít nhất mỗi 6 tháng/lần tại các cơ sở y tế uy tín để phát hiện bất thường ở tuyến vú và có hướng điều trị kịp thời; tầm soát ung thư vú từ tuổi 40 hoặc có thể bắt đầu sớm hơn từ độ tuổi 35 nếu tiền sử trong gia đình có người mắc bệnh ung thư vú.

Những người có các yếu tố nguy cơ ung thư vú cao hơn người bình thường như: tiền sử gia đình có người mắc ung thư vú, phụ nữ sinh con muộn, không cho con bú, phụ nữ có kinh nguyệt sớm hay mãn kinh muộn cũng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh. Ngoài ra, những người có tiền sử mắc các bệnh liên quan đến vú như xơ nang tuyến vú, người béo phì, lười vận động, hút thuốc lá, uống rượu, môi trường độc hại, ô nhiễm… cũng có nguy cơ cao bị ung thư vú.

Bệnh ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng nếu được phát hiện sớm thì tỷ lệ chữa thành công rất cao. Bên cạnh đó, để chủ động phòng ngừa ung thư vú, phụ nữ nên có một chế độ sống và làm việc lành mạnh: ăn nhiều rau xanh, hạn chế thịt đỏ, dầu mỡ, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, không ngủ muộn, ngủ đủ giấc, hạn chế các loại chất kích thích.

Kim Oanh – Võ Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.