Multimedia Đọc Báo in

Ước vọng tình nguyện vì cộng đồng

08:33, 09/07/2023

Kỳ nghỉ hè chính là ngày tháng háo hức, mong đợi của các cô cậu học trò khi được nghỉ ngơi, vui chơi sau một năm học tập căng thẳng.

Song, với nhiều bạn trẻ, thay vì tìm đến những niềm vui cho riêng mình thì họ đã chọn tham gia các hoạt động tình nguyện đầy ý nghĩa để giúp ích cho cộng đồng.

Quyết tâm “tiếp sức” để “trả ơn”

Đang học năm thứ hai ngành Hàn Quốc học tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, kỳ nghỉ hè năm nay, Nguyễn Thị Hồng Ngọc không ở lại đi chơi như nhiều bạn khác mà quyết định trở về quê hương ở xã Cư Drăm, huyện Krông Bông để tham gia hoạt động tình nguyện "Tiếp sức mùa thi".

Em Nguyễn Thị Hồng Ngọc nấu ăn tại "Bếp ăn 0 đồng" cho các thí sinh tại điểm thi huyện Krông Bông.

Ý định này được Ngọc nung nấu từ khi bản thân em cũng đã nhận được sự “tiếp sức” hết sức ý nghĩa trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ngọc kể lại, năm ấy em từ vùng sâu, vùng xa “chân ướt chân ráo” đến điểm thi tại trung tâm huyện Krông Bông loay hoay tìm chỗ trọ. Rồi những bỡ ngỡ, hồi hộp và lo lắng của Ngọc tan biến khi em được các anh chị thanh niên tình nguyện nhiệt tình hỗ trợ tìm chỗ ở miễn phí, phát nước uống, khẩu trang… trong những ngày thi. Ngọc vẫn nhớ như in buổi thi đầu tiên, kính của em bị bạn thi cạnh bên không may làm gãy. Khi đó chỉ còn 15 phút nữa bắt đầu diễn ra buổi thi, em rất lo lắng, bật khóc, nước mắt giàn giụa bởi bản thân bị cận thị nặng, không có kính sẽ không thể làm bài thi. May mắn là em đã được các anh chị tình nguyện viên đến giúp đỡ, nhanh chóng chở đến chợ trung tâm thị trấn mua gọng kính mới để thay. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời đó mà em đã hoàn thành tốt kỳ thi, đỗ vào Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh như mong ước.

Ngọc bày tỏ: “Việc làm ý nghĩa của đội ngũ "Tiếp sức mùa thi" khiến em yêu thích hơn các hoạt động tình nguyện. Vào đại học, em đã tham gia các câu lạc bộ thiện nguyện tại trường. Năm thứ nhất đại học, khi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 diễn ra, mặc dù rất mong muốn về địa phương tham gia "Tiếp sức mùa thi" nhưng do bị vướng lịch thi học kỳ nên em đã bỏ lỡ. Năm nay, không bị vướng lịch thi, em quyết tâm  thực hiện được nguyện vọng tình nguyện "Tiếp sức mùa thi", mong muốn góp sức hỗ trợ các thí sinh như mình đã được tiếp sức năm trước. Mặc dù có mệt mỏi nhưng khi nhìn các thí sinh bước ra khỏi phòng thi với nụ cười rạng rỡ là mọi thứ đều tan biến. Năm sau, hay năm sau nữa… nếu có thời gian, em nhất định sẽ về quê tham gia hoạt động tình nguyện hè”.

Bị gãy tay vẫn tham gia “Tiếp sức mùa thi”

Nhiều phụ huynh đưa con đi thi hay lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại điểm thi Trường THPT Y Jút (huyện Cư Kuin) trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua rất ấn tượng với cậu bé Nguyễn Anh Tiến (SN 2006, học sinh lớp 11, Trường THPT Y Jút) dù bị gãy một tay vẫn tham gia hoạt động tình nguyện.

Mặc dù bị gãy một tay nhưng em Nguyễn Anh Tiến vẫn tham gia "Tiếp sức mùa thi".

Được biết, ngay từ năm học lớp 9, Tiến đã tham gia đội ngũ “áo xanh” tình nguyện chống dịch COVID-19. Cậu học trò nhỏ đã xông xáo giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn trên đường về quê tránh dịch, hay hỗ trợ những gia đình đi test COVID-19. Em cũng luôn tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện do trường, địa phương tổ chức.

Năm nay, ngay từ đầu hè, Tiến đã đăng ký tham gia Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè và mùa tình nguyện hè năm nay đã mang lại cho em nhiều kỷ niệm khó quên. Trong Chương trình "Tiếp sức mùa thi" vừa qua, Tiến có lẽ là tình nguyện viên đặc biệt nhất trong số hơn 1.000 bạn tham gia. Trước khi kỳ thi diễn ra năm ngày, em bị gãy tay nhưng nghe tin địa phương đang thiếu tình nguyện viên, em vẫn hăng hái đăng ký tham gia. Chỉ dùng một tay nên việc phát sữa, nước… của Tiến chậm hơn các tình nguyện viên khác, thế nhưng điều đó không gây nhiều khó khăn cho cậu học trò này.

Tiến bộc bạch: “Em sẽ tham gia các hoạt động tình nguyện bất cứ khi nào có thể. Càng đông, càng vui, sức mạnh càng lớn, em tin rằng bản thân chỉ làm việc được một tay nhưng vẫn sẽ góp thêm phần hỗ trợ cho mọi người, giảm bớt khó khăn cho các anh chị tình nguyện. “Cho đi là nhận lại”, năm nay, em giúp đỡ các anh chị, năm sau em thi sẽ được mọi người giúp đỡ lại”.

Khánh Vân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.