Ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ đào tạo nghề
Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Kế hoạch số 167-KH/TU ngày 4/7/2023 thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 4/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (viết tắt là Chỉ thị số 21).
Kế hoạch đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Cụ thể là phấn đấu đến năm 2030 thu hút 45 – 50% học sinh THCS và THPT vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động; có 2 cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao; tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao theo định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030. Cùng với đó là rà soát, báo cáo, đề xuất với Trung ương bổ sung, hoàn thiện chính sách về giáo dục nghề nghiệp theo hướng gắn với thị trường lao động, liên thông, hội nhập và thích ứng; rà soát hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tinh gọn, hoạt động hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; ưu tiên quỹ đất dành cho phát triển, mở rộng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Học viên học nghề lái xe tại Trường Cao đẳng Bách khoa Tây Nguyên. |
Đặc biệt, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy chỉ đạo chính quyền cùng cấp ưu tiên bố trí vốn đầu tư, sự nghiệp để hỗ trợ công tác đào tạo nghề trên địa bàn; huy động mọi nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện đào tạo; đào tạo kỹ năng nghề nghiệp với giáo dục đạo đức, lối sống…
Để đạt mục tiêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu tổ chức quán triệt và hướng dẫn các đơn vị trực thuộc thực hiện Chỉ thị 21 và Kế hoạch này đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhân dân. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt thực hiện và kiểm tra định kỳ hằng năm việc thực hiện Chỉ thị 21 và Kế hoạch này…
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc