Bắt buộc thi tốt nghiệp THPT môn lịch sử: Tại sao không?
Môn học lịch sử đã được quy định là môn học bắt buộc trong chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.
Tại hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 do Bộ GD-ĐT tổ chức vào tháng 8/2023 tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ GD-ĐT đã khảo sát lấy ý kiến lãnh đạo các sở GD-ĐT về hai phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025.
Theo đó, phương án 1 gồm các môn học bắt buộc ngữ văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử (đối với giáo dục phổ thông), ngữ văn, toán, lịch sử (đối với giáo dục thường xuyên) và thêm hai môn tự chọn khác; phương án 2: thi 3 môn bắt buộc là ngữ văn, toán, ngoại ngữ và 2 môn khác, trong đó có môn lịch sử.
Học sinh tham quan Nhà đày Buôn Ma Thuột. Ảnh minh họa: Hữu Nguyên |
Thiết nghĩ, việc khảo sát chọn lựa môn thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, trong đó có môn lịch sử nên đưa vào “tự chọn hay bắt buộc” là chưa phù hợp. Theo quan điểm chung của các cơ sở giáo dục, môn học bắt buộc từ ban đầu là phải thi, bởi thi mới ràng buộc người học phải học. Học lịch sử là căn cốt để hiểu được ngọn nguồn dân tộc, như Bác Hồ từng nói: “Dân ta phải biết sử ta”. Theo GS. Đỗ Thanh Bình (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), học mà không thi thì chẳng có tác dụng gì cả, môn lịch sử có chức năng rất rõ ràng là giáo dục lòng yêu nước, mà nước ta lại rất đặc biệt, trong bối cảnh cần bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, chủ quyền biển đảo như hiện nay.
Một đoạn clip lan truyền gần đây trên mạng xã hội về Ngày Quốc khánh 2/9 đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng các bạn trẻ đang hiểu biết một cách mơ hồ về ngày thiêng liêng nhất của dân tộc. Mà hiểu lệch vấn đề lịch sử đâu phải chỉ có ở trẻ em. Minh chứng là hình ảnh áp phích kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ ở Đồng Nai ghi sai năm, 20 con đường ở TP. Hồ Chí Minh sai họ tên nhân vật lịch sử và nhiều nơi khác nữa... Nguyên nhân của tình trạng trên thì ai cũng biết!
Võ Hữu Lộc
Ý kiến bạn đọc