Multimedia Đọc Báo in

Cần có chiến lược phù hợp cho nguồn lực tương lai

08:55, 10/09/2023

Hơn 500 nghìn học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk chính thức bước vào năm học mới 2023 – 2024”.

Một thông tin thoáng nghe thì rất bình thường khi mà học sinh trên địa bàn tỉnh bước vào mùa khai giảng cùng với học sinh cả nước. Thế nhưng, “ngẫm” lại một chút, đây có thể lại là con số “biết nói”.

So với tổng dân số của Đắk Lắk, hơn 500 nghìn học sinh, tức là gần ¼ dân số toàn tỉnh đang trong lứa tuổi đến trường, chưa kể lực lượng sinh viên của tỉnh đang theo học các trường chuyên nghiệp trên cả nước. Với số lượng học sinh lớn như thế, không thể tránh khỏi những áp lực nhất định cho hệ thống giáo dục trên địa bàn.

Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, đây là nguồn nhân lực hùng hậu cho tỉnh trong tương lai gần, là tài sản vô giá, bền vững mà không phải nơi nào cũng có được. Thế nên không thể vì bất kỳ lý do gì mà không chăm lo, đầu tư cho thế hệ tương lai này, nhất là trong thời đại công nghiệp 4.0, hội nhập quốc tế mạnh mẽ và xã hội biến đổi không ngừng như hiện nay.

Nghề sửa chữa, chăm sóc xe ô tô đang được nhiều lao động trẻ theo đuổi.

Thế nhưng khi bước vào năm học mới 2023 - 2024, vẫn còn đó những “vết gợn” khiến nhiều người phải băn khoăn, thậm chí là “giật mình” trước thực tế đặt ra.

Không kể đến những rắc rối liên quan đến sách giáo khoa, đến những lựa chọn cải cách giáo dục… nằm ở tầm “vĩ mô”, ở đây chỉ nhắc đến nỗi băn khoăn bắt nguồn từ những vấn đề trong “tầm tay” của địa phương. Một trong những thông tin khiến nhiều người “giật mình” nhất đó là khi năm học mới cận kề thì còn gần 2.500 học sinh lớp 10 trên địa bàn tỉnh chưa có trường để học.

Nguyên nhân được cơ quan quản lý đưa ra là do việc tuyển sinh lớp 10 THPT được thực hiện theo Chương trình giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025 (Đề án 522). Cụ thể, 70% học sinh sau tốt nghiệp THCS sẽ vào THPT, số còn lại theo chương trình vừa học nghề, vừa học văn hóa. Mặc dù đến nay dường như tình hình đã được xử lý, nhưng rõ ràng nó cho thấy sự bị động, lúng túng đến ngạc nhiên của cả một hệ thống từ cơ quan quản lý đến phụ huynh, học sinh.

Phải khẳng định rằng, việc phân luồng học sinh là cần thiết, và việc phân luồng sẽ là một trong những biện pháp định hướng nghề nghiệp, từ đó hình thành nên nguồn nhân lực trong tương lai. Tuy nhiên, để việc phân luồng không mang tính “cưỡng ép” và phát huy hiệu quả đòi hỏi phải kết hợp rất nhiều yếu tố mà nếu chỉ riêng ngành giáo dục thực hiện sẽ là rất khó.

Thông thường, để xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực, người ta thường dựa vào những yếu tố: mục tiêu phát triển, điều kiện thực tế, sự biến động kinh tế – xã hội của địa phương và tâm tư, nguyện vọng của người lao động. Với thực tế hiện nay của Đắk Lắk, nếu dựa trên những yếu tố này để xây dựng lực lượng lao động thông qua việc phân luồng học sinh là rất mơ hồ khi mà việc phân luồng hầu như chưa đáp ứng đủ cho mỗi yếu tố nêu trên. Nói một cách đơn giản, việc phân luồng này chưa trả lời được câu hỏi quan trọng nhất là “Học ra để làm gì?”. Và khi chưa giải đáp được câu hỏi này, phụ huynh, học sinh sẽ không thể yên tâm để đi theo “luồng” mà cơ quan quản lý muốn thực hiện.

Một thực tế rất đáng suy nghĩ là hầu hết sinh viên, nhất là những sinh viên học ở những trường đại học danh tiếng đều không trở về Đắk Lắk làm việc. Điều đó cho thấy việc tạo môi trường tốt để người lao động sau khi học xong có chỗ để phát huy đang là “điểm yếu” của địa phương. Cùng với đó, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh đang không được đánh giá cao. Điều này được chứng minh qua khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, chất lượng đào tạo lao động của tỉnh Đắk Lắk được xếp vào nhóm thấp nhất của cả nước.

Nhận thức vai trò của nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành đã có hàng loạt quyết sách quan trọng để phát triển giáo dục và đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao. Thời gian qua, Đắk Lắk cũng đã có rất nhiều nỗ lực trong việc nâng tầm giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Thế nhưng, để “bắt nhịp” tốt hơn cùng những quyết sách này, địa phương cần có những bước đi phù hợp và càng sớm càng tốt. Làm sao hạn chế thấp nhất những "vết gợn" không đáng có và sớm trả lời, giải đáp được câu hỏi trên để phát huy hết giá trị nguồn “tài nguyên” vô giá đang tiềm ẩn nơi hơn 500 nghìn học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong tương lai không xa.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.