Multimedia Đọc Báo in

Chăm lo sinh viên dân tộc thiểu số: Tạo cơ hội cho ước vọng trưởng thành và cống hiến

08:55, 10/09/2023

Trong những năm qua, sinh viên các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Đắk Lắk đã ra sức thi đua học tập và rèn luyện, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, có nhiều đóng góp tích cực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương.

Hành trang tri thức

Sinh ra trong một gia đình không mấy khá giả, Y Knăp Niê sớm có ý thức chịu khó rèn luyện, học hành. Không chỉ là học sinh tiêu biểu từ những ngày còn học phổ thông, sau hai năm theo học ngành Giáo dục tiểu học tại Trường Đại học Tây Nguyên, ngoài thành tích học tập rất tốt, Y Knăp còn tích cực tham gia các hoạt động Đoàn – Hội.

Y Knăp chia sẻ: Trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế mạnh mẽ đã có những tác động nhất định, làm thay đổi tư duy, lối sống của sinh viên theo hướng hiện đại, tích cực và chủ động hơn. Chính vì thế, từ những ngày đầu mới bước chân vào giảng đường đại học, em cùng các bạn đã lên kế hoạch học tập, rèn luyện sao cho có thể vừa đạt thành tích tốt trong học tập vừa tham gia hiệu quả các hoạt động xã hội, để sau khi ra trường hành trang mang theo không chỉ là kiến thức mà còn có cả kỹ năng sống, kỹ năng thực hành xã hội, giúp các bạn trẻ tự tin, thuận lợi hơn trong công việc cũng như cuộc sống.

Sinh viên dân tộc thiểu số tiêu biểu dâng hoa, báo công dâng Bác tại Tượng đài Bác Hồ và thiếu nhi các dân tộc. 

Là người con của Đắk Lắk hiện đang học tập tại Trường Đại học Luật (Đại học Huế), bạn H Iên Êban luôn nỗ lực tiếp thu kiến thức, hoàn thiện kỹ năng với mong muốn sau khi tốt nghiệp có thể trở về phục vụ, cống hiến cho quê hương. Trong suốt những năm theo học tại trường, H Iên luôn đạt thành tích học tập giỏi, rèn luyện xuất sắc. Chia sẻ về bí quyết thành công trong học tập của mình, H Iên cho hay: “Để học tập tốt, không chỉ cần siêng năng, chăm chú nghe giảng nhằm tiếp thu kiến thức một cách đầy đủ mà ngoài giờ học trên lớp, em lập riêng một thời gian biểu hợp lý để tận dụng hết quỹ thời gian cho việc học tập, đồng thời tích cực trao đổi kiến thức với bạn bè để dần hoàn thiện bản thân. Em vừa nhận bằng tốt nghiệp vào tháng 6/2023 và đang chờ đợi cơ hội để có thể được làm việc, cống hiến trong cơ quan nhà nước”.

Tại chương trình Gặp mặt và tuyên dương sinh viên DTTS tiêu biểu tỉnh Đắk Lắk lần thứ XXV năm 2023 vừa được Tỉnh Đoàn, Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh tổ chức, 62 sinh viên DTTS tiêu biểu đã có cơ hội gặp gỡ, nghe chia sẻ của những người con của buôn làng, những sinh viên đã từng vượt qua khó khăn, nỗ lực vươn lên và đã có những thành công. Tiêu biểu như anh Y Pốt Niê (huyện Krông Ana), người được mọi người biết đến với mơ ước đưa cà phê mang hương “khói bếp” ra thị trường. Hơn 10 năm trên hành trình khởi nghiệp, kinh doanh, trải qua nhiều khó khăn, thất bại, anh Y Pốt vẫn kiên trì theo đuổi ước mơ. Với một sản phẩm không còn xa lạ với người dân nhưng bằng cách riêng của mình anh đã "làm mới" nó và được mọi người đón nhận rất tích cực. Năm 2022, anh được Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là một trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc.

Tạo cơ hội học tập và cống hiến

Đắk Lắk có 49 dân tộc anh em sinh sống. Thanh niên DTTS chiếm 30,4% tổng số thanh niên toàn tỉnh. Toàn tỉnh có hơn 2.200 sinh viên DTTS đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng trong cả nước; trong đó có hơn 1.000 sinh viên có thành tích học tập từ loại khá trở lên. Điều đó khẳng định, ngày càng có nhiều thanh niên DTTS có năng lực và trình độ học vấn cao, đủ tài năng và trí tuệ để tiếp thu những tri thức khoa học, rèn luyện kỹ năng sống, năng lực hoạt động xã hội. Nhiều sinh viên đã chủ động học thêm văn bằng 2, các chương trình đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn, tin học, ngoại ngữ để chuẩn bị hành trang tri thức cho nhiệm vụ công tác sau này.

Đại diện Tỉnh Đoàn, Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh tuyên dương sinh viên dân tộc thiểu số tiêu biểu. 

Hiện nay, các chính sách phát triển kinh tế, văn hóa ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS đã thu được nhiều kết quả tích cực, đời sống nhân dân và thanh niên các DTTS ngày càng được nâng cao cả về tinh thần lẫn vật chất. Anh Y Lê Pas Tơr, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh cho hay, Hội LHTN Việt Nam tỉnh và Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh với vai trò là mặt trận đoàn kết, tập hợp, giáo dục thanh niên, sinh viên đã chủ động tham mưu nhiều nội dung, chương trình, hoạt động phù hợp dành cho thanh niên, sinh viên DTTS như: Tuyên dương thanh niên DTTS sống đẹp, làm kinh tế giỏi; Liên hoan các câu lạc bộ, đội nhóm diễn tấu nhạc cụ dân tộc; Gặp mặt sinh viên DTTS; Tuyên dương Sinh viên 5 tốt; Hội trại giao lưu thanh niên DTTS… Thời gian tới, các đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu, đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các bạn sinh viên nói chung và sinh viên DTTS nói riêng trong quá trình học tập và công tác, tạo cơ hội về việc làm cho các em khi ra trường; kịp thời động viên, cổ vũ và biểu dương những sinh viên có thành tích tốt trong học tập.

Tại buổi gặp mặt và tuyên dương sinh viên DTTS tiêu biểu của tỉnh lần thứ XXV vừa qua, Phó Bí thư Tỉnh ủy Y Biêr Niê gợi mở: Thanh niên DTTS không chủ quan, thỏa mãn, mà chịu khó học tập văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, các kỹ năng mềm; rèn luyện thể chất, thực hiện lối sống lành mạnh để vừa có trí tuệ, vừa có sức khỏe tốt, đáp ứng yêu cầu phục vụ quê hương, đất nước trong thời kỳ hội nhập sâu rộng với quốc tế. Đồng thời, thanh niên các dân tộc trên địa bàn tỉnh cần tuyệt đối tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy truyền thống đoàn kết toàn dân tộc, tích cực đóng góp xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhất là các chính sách về đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.