Multimedia Đọc Báo in

Đa dạng hóa hoạt động giáo dục thể chất

08:13, 06/09/2023

Giáo dục thể chất (GDTC) trong trường học là một trong những nội dung rất quan trọng nhằm giúp học sinh nâng cao sức khỏe, phát triển toàn diện.

Đa dạng hoạt động

Song song với việc truyền đạt kiến thức, Trường THPT Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng (TP. Buôn Ma Thuột) luôn quan tâm phát triển hoạt động thể dục, thể thao nhằm nâng cao thể chất cho học sinh. Thầy Bùi Xuân Lễ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, với đặc thù học sinh ở nội trú, nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch, yêu cầu giáo viên tổ chức tốt công tác giảng dạy bộ môn GDTC theo chương trình của Bộ GD-ĐT, đồng thời đa dạng hóa hình thức và nội dung luyện tập thể dục thể thao (TDTT) của học sinh.

Học sinh các trường trên địa bàn huyện Cư M’gar tham gia giải thể thao học đường năm học 2022 - 2023.

Nhà trường đã xây dựng các câu lạc bộ (CLB) thể thao, đầu tư cơ sở vật chất gồm sân bóng chuyền, sân bóng đá mini, sân bóng rổ, nhà thi đấu đa năng có sân cầu lông, bóng bàn… Cùng với đó, hằng năm đều tổ chức hội thao, Hội khỏe Phù Đổng, lồng ghép các môn thể thao dân gian, thể thao dân tộc, thu  hút đông đảo học sinh tham gia.

Tại Trường THCS Ngô Mây (xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar), cùng với chương trình GDTC chính khóa, trường cũng thành lập các CLB thể thao để học sinh rèn luyện. Từ năm học 2016 - 2017, trường đã vận động nguồn lực xã hội hóa, xây dựng bể bơi di động, đưa bộ môn bơi lội vào giảng dạy, đồng thời mở các lớp dạy bơi vào dịp hè nhằm phổ cập bơi lội cho học sinh. Trường cũng chú trọng tổ chức các hoạt động ngoại khóa liên quan đến rèn luyện thể chất; tăng tính hấp dẫn trong hoạt động tập thể dục giữa giờ bằng cách luân phiên lồng ghép các bài thể dục, bài võ cổ truyền...

Áp dụng linh hoạt, phù hợp thực tế

Hiện nay, GDTC là môn học bắt buộc ở các trường từ cấp tiểu học đến THPT. Nội dung GDTC được phân chia theo hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Chương trình môn học được xây dựng trên cơ sở của yêu cầu cần đạt cụ thể cho từng cấp học, lớp học, nhưng linh hoạt trong thực hiện, các trường có thể xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với điều kiện của địa phương.

Học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng tham gia thi đấu đẩy gậy.

Thầy Lê Đăng Lân, Trưởng bộ môn GDTC Trường THPT Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng cho biết, theo chương trình giáo dục phổ thông mới, đối với bộ môn GDTC, học sinh của trường được lựa chọn học theo chủ đề, tùy theo sở thích của các em ở một số bộ môn như: bóng chuyền, bóng đá, bóng rổ, cầu lông, đá cầu… Bản thân giáo viên đảm nhận giảng dạy cần có chuyên môn tốt, chuyên sâu về bộ môn mình phụ trách; đồng thời phải tìm tòi, trang bị thêm nhiều kiến thức để không chỉ giúp học sinh biết mà còn hướng đến nâng cao khả năng của từng em.

Song song với đẩy mạnh hoạt động GDTC, việc tạo hứng thú, giúp học sinh tham gia hoạt động một cách đồng đều, đạt kết quả cao cũng là vấn đề đáng lưu tâm. Theo thầy Mai Văn Chuyền, giáo viên GDTC Trường THCS Ngô Mây, để tạo hứng thú cho các em, bên cạnh các bài tập, thầy cô giáo cũng đa dạng hóa trò chơi, tổ chức hình thức thi đấu giữa các nhóm với nhau. Đối với những em còn yếu về thể lực, giáo viên sẽ đưa ra mức vận động phù hợp, giúp luyện tập từ bài dễ đến bài khó.

Trường THCS Ngô Mây cũng sáng tạo, tổ chức mô hình cờ vua vận động, với kích thước bàn cờ 4x4 m, quân cờ cao 40 cm, phù hợp với thể trạng học sinh THCS. Khi tham gia chơi, học sinh sẽ chia làm hai nhóm, di chuyển quân cờ trong bàn cờ như đối với môn cờ vua thông thường. Bộ môn này đã thu hút đông đảo học sinh tham gia, tạo hứng thú cho các em sau giờ học căng thẳng. “Thông qua các hoạt động GDTC, các hội thi thể thao trong trường đã tạo niềm yêu thích, thu hút học sinh đến trường, góp phần duy trì sĩ số, giảm bớt tình trạng bỏ học”, thầy Chuyền bộc bạch.

Có thể thấy, việc quan tâm, đa dạng hóa hoạt động GDTC trong học đường sẽ góp phần tích cực trong thực hiện mục tiêu đổi mới GD-ĐT, giúp học sinh phát triển một cách toàn diện cả về trí tuệ lẫn thể chất.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.