Multimedia Đọc Báo in

Đòn bẩy giúp hội viên phụ nữ khởi nghiệp

08:11, 02/09/2023

Triển khai Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã khơi dậy tinh thần của hội viên phụ nữ trong khởi nghiệp, tạo cơ hội cho phụ nữ xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế.

Hiện thực hóa ý tưởng

Năm 2021 được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện cho vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn khởi nghiệp, chị Nguyễn Thị Thảo (xã Ea Na, huyện Krông Ana) quyết định vay thêm 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để cải tạo lại hơn 1 ha đất vườn nhà trồng các loại rau như đậu ve, cà tím, dưa leo.

Nhờ chăm chỉ học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật từ các nhà vườn, đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nên cây trồng phát triển tốt, mang lại lợi nhuận khá cho gia đình. Thấy nhu cầu tiêu thụ rau còn lớn, chị Thảo thuê đất để mở rộng diện tích trồng các loại rau. Đến nay mô hình của gia đình chị tăng lên với diện tích 5 ha, cho thu nhập nhập trên 500 triệu đồng/năm.

Chị Thảo chia sẻ: “Rau do gia đình sản xuất luôn theo phương châm "3 không": không phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu và các hóa chất bảo vệ thực vật, không thuốc kích thích tăng trưởng, vì vậy đầu ra sản phẩm ổn định”.

Chị Nguyễn Thị Thảo (xã Ea Na, huyện Krông Ana) chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với hội viên phụ nữ trên địa bàn.

Khởi nghiệp với trà thảo mộc từ năm 2016, đến nay thương hiệu sản phẩm "Trà thảo mộc Cô Ngát Natural" của chị Hoàng Thị Ngát (phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) đã khẳng định được vị thế trên thị trường. Các sản phẩm như trà khổ qua rừng và trà đinh lăng tim sen do cơ sở của chị Ngát sản xuất thường xuyên xuất hiện tại nhiều hội chợ, triển lãm cũng như được bán tại một số siêu thị, cửa hàng trong cả nước. Tại Chung kết cuộc thi "Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, kinh doanh của phụ nữ Đắk Lắk" năm 2023, dự án “Trà thảo mộc Cô Ngát Natural” đã đoạt giải Ba trong hàng trăm sản phẩm khởi nghiệp tham dự.

Chị Ngát tâm sự: “Trong một lần điều trị bệnh tại TP. Hồ Chí Minh, tôi được một dược sĩ hướng dẫn cách làm trà thảo mộc để tăng cường sức khỏe. Sau khi sử dụng trà thảo mộc, tôi thấy sức khỏe cải thiện nhiều nên đã tự làm thêm, giới thiệu đến người thân, bạn bè dùng thử và nhận được phản hồi tích cực. Từ cơ duyên ấy, tôi nảy ra ý tưởng khởi nghiệp từ trà thảo mộc. Trải qua nhiều khó khăn trong nghiên cứu, cải thiện sản phẩm đến việc tìm đầu ra, giờ đây tôi rất vui khi sản phẩm của mình được người tiêu dùng đón nhận”.

Tạo thêm cơ hội

Thực hiện Đề án 939, Hội LHPN tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền để hội viên phụ nữ nắm được các nội dung, mục tiêu của đề án, các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước nhằm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế. Đồng thời phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học về sản xuất, chăn nuôi, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho hội viên về lập kế hoạch kinh doanh, quản lý điều hành, sử dụng vốn vay; hỗ trợ, tạo điều kiện để hội viên tiếp cận được các nguồn vốn vay đầu tư khởi nghiệp...

Hội viên phụ nữ tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ tại Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp năm 2023.
 

Qua hơn 5 năm triển khai thực hiện Đề án 939, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã đưa phong trào khởi nghiệp ngày càng đi vào chiều sâu và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong các đối tượng phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ yếu thế, nữ thanh niên, từ đó góp phần tạo việc làm cho phụ nữ, giúp chị em tham gia phát triển kinh tế, khẳng định vị thế".

Bà Tô Thị Tâm, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh

Đặc biệt, “Ngày Phụ nữ khởi nghiệp” được Hội LHPN tỉnh tổ chức là điểm nhấn trong việc triển khai thực hiện Đề án 939. Đây là một trong những hoạt động nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, sức sáng tạo của phụ nữ, đồng thời kết nối giữa các doanh nghiệp do nữ làm chủ, các tác giả có ý tưởng khởi nghiệp khả thi với các sở, ban, ngành, đơn vị, nhà tài trợ để các bên có thêm thông tin, tìm kiếm, tiếp cận, hỗ trợ nguồn lực cho phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Nhiều ý tưởng, dự án, sản phẩm của chị em sau khi tham gia ngày hội đã hoàn thiện hơn, dần khẳng định được chỗ đứng trên thị trường.

Có thể kể đến các dự án như “Mô hình liên kết gia tăng giá trị cà phê với đầu ra là cà phê đặc sản” của chị Huỳnh Thị Nga, “Kinh doanh sản phẩm lá bồ đề thủ công” của chị Đinh Thị Huế, “Tò he hiện đại” của chị Bùi Ngọc Thanh Thảo (TP. Buôn Ma Thuột); “Nghệ thuật tranh giấy xoắn” của chị Lê Thị Mùi (huyện Krông Pắc); Dự án “Dệt may, phân phối trang phục Êđê thổ cẩm cách tân” của chị H’Ler Êban (huyện Krông Ana)…

Ở giai đoạn 1 thực hiện Đề án (2018 - 2022), các cấp Hội trên địa bàn tỉnh đã phối hợp hướng dẫn, xây dựng thương hiệu, thành lập 5 CLB Doanh nghiệp nữ, 24 HTX và 42 tổ hợp tác, tổ liên kết, 1 Hội quán khởi nghiệp, 2 CLB tiểu thương và 1 CLB Doanh nhân nữ với trên 500 thành viên tham gia.

Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX do phụ nữ làm chủ kết nối tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm thị trường, thực hiện chuỗi giá trị sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ chị em làm thủ tục về cấp giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, chứng nhận truy xuất nguồn gốc, quy trình VietGAP; đăng ký nhãn hiệu, bao bì cho sản phẩm. Tổng nguồn kinh phí thực hiện Đề án trong giai đoạn 1 là trên 58 tỷ đồng.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.