Kiểm soát HIV từ chiến dịch K=K
HIV/AIDS là bệnh mãn tính phải điều trị suốt đời; nếu bệnh nhân tuân thủ điều trị thuốc kháng vi rút (ARV) sẽ khỏe mạnh và có khả năng làm việc, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm khả năng lây nhiễm ra cộng đồng.
Các nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy một người tuân thủ uống thuốc kháng vi rút HIV hằng ngày theo hướng dẫn của thầy thuốc đạt được và duy trì tải lượng vi rút ở mức không phát hiện được, không có nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường tình dục cho bạn tình và giảm lây truyền qua đường máu. Theo các chuyên gia y tế, tải lượng vi rút dưới 200 bản sao/ml máu được xác định là ngưỡng không phát hiện, bằng chứng khoa học này được gọi là không phát hiện = không lây truyền, thường được gọi tắt là K=K.
Chiến dịch K=K triển khai trên toàn thế giới từ năm 2017 trên cơ sở những bằng chứng khoa học của nghiên cứu dọc trong vòng 10 năm của hàng nghìn người là các cặp bạn tình trái dấu (1 người dương tính HIV, 1 người âm tính HIV). Kết quả cho thấy khi họ tuân thủ điều trị tốt, quan hệ tình dục không dùng bao cao su cũng không bị lây nhiễm HIV. Thực ra K=K là phát hiện mới về bằng chứng khoa học, còn triển khai các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS vẫn là xét nghiệm sớm, điều trị sớm và tuân thủ điều trị tốt, đồng thời bệnh nhân đang điều trị HIV sẽ làm xét nghiệm tải lượng vi rút để biết được nồng độ vi rút của mình có dưới ngưỡng phát hiện không, nếu dưới ngưỡng là đạt.
Bác sĩ điều trị hướng dẫn bệnh nhân cách sử dụng thuốc ARV. |
Tuy nhiên hiện nay chỉ có khoảng 75% số người chẩn đoán mắc HIV được điều trị ARV. Do vậy, cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân hiểu rõ K=K là thế nào, kể cả cán bộ y tế đến những người trong cộng đồng, nhất là nhóm có nguy cơ nhiễm HIV; cần mở rộng dịch vụ, đặc biệt tiến hành định kỳ việc xét nghiệm tải lượng vi rút cho những người đang điều trị ARV để họ biết được nồng độ vi rút HIV của mình, là thước đo đánh giá khả năng lây truyền của họ như thế nào.
K=K là bằng chứng khoa học hết sức quan trọng, làm thay đổi cơ bản quan điểm về điều trị HIV đó là điều trị cũng là dự phòng, đồng thời nó cũng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng với tất cả mọi người: thúc đẩy người có hành vi nguy cơ cao chưa nhiễm HIV chủ động đi xét nghiệm sớm hoặc xét nghiệm định kỳ để nếu có HIV sẽ được điều trị ARV sớm. Còn với bệnh nhân HIV sẽ tiếp cận điều trị ARV sớm, tuân thủ điều trị để đạt được tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện. Có thể thấy, nhiễm HIV không còn là bệnh vô phương cứu chữa mà là một bệnh truyền nhiễm mãn tính có thể dự phòng và điều trị được. Bệnh nhân cần tiếp cận điều trị ARV càng sớm càng tốt bởi lúc đó hệ thống miễn dịch của cơ thể còn tốt, sẽ đáp ứng với thuốc tốt hơn, ít bị nhiễm trùng cơ hội hơn, sức khỏe cải thiện nhanh chóng hơn; bên cạnh đó điều trị ARV sẽ làm ức chế sự nhân lên của vi rút trong máu.
Với K=K, những người sống chung với HIV đang điều trị và đã đạt được tình trạng không phát hiện được hoặc ức chế được vi rút có thể sống một cuộc sống lâu dài, khỏe mạnh, không lây truyền HIV cho bạn tình của họ. Qua đó, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và tình trạng sức khỏe của những người sống chung với HIV như giảm kỳ thị HIV, cải thiện hình ảnh bản thân, cải thiện sức khỏe tâm thần, tăng khả năng tự chủ và thoải mái trong việc chia sẻ tình trạng nhiễm với bạn tình.
Hiện nay, trên cả nước đã có các cơ sở điều trị ARV ở tất cả các tỉnh, thành phố và hầu hết các huyện có cơ sở cấp phát thuốc ARV tại các trạm y tế xã. Thuốc ARV hiện nay được cung cấp thông qua dự án của các tổ chức quốc tế và dịch vụ bảo hiểm y tế, việc điều trị ARV đã được Bộ Y tế mở rộng đến tất cả các đối tượng. Do vậy, cần tiếp tục triển khai, phổ biến mạnh mẽ hơn nữa các thông điệp như K=K để cán bộ y tế, cộng đồng đích và người dân hiểu về lợi ích của điều trị nhằm nâng cao tỷ lệ người bệnh chẩn đoán nhiễm HIV điều trị ARV cũng như giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV.
Nguyễn Công Thành
Ý kiến bạn đọc