Multimedia Đọc Báo in

Nâng đỡ những phận nghèo

08:52, 26/09/2023

Bước vào năm học mới, lo cho con sách vở, áo quần, giày dép… để đến trường cùng nhiều khoản đóng góp khác quả là gánh nặng đặt lên vai của nhiều phụ huynh học sinh.

Với những gia đình khó khăn, túng thiếu thì gánh nặng ấy càng tăng gấp bội, trở thành nỗi âu lo không dễ gì vượt qua nếu như không có những bàn tay nhân ái nâng đỡ.

Tôi cảm nhận được điều đó và rất vui khi mỗi ngày đi qua trước thềm năm học mới có nhiều cá nhân, cơ quan và tổ chức từ thiện đã tìm đến chia sẻ với các em ở mọi cấp học, từ mẫu giáo cho đến bậc đại học. Nơi thì tặng sách giáo khoa, tập vở, bút mực; chỗ thì trang phục, mũ nón, học bổng và phương tiện đi lại nhằm giúp đỡ cho hàng nghìn học sinh, sinh viên nghèo được tiếp tục đến trường. Niềm tin ấy cứ lớn dần trong các em và nó kết thành những kết quả đáng tự hào trong quá trình học tập, khiến người giúp đỡ cũng như người nhận mối ân tình kia trở nên thân thiết và chân thành. Bạn tôi, thầy Phan Ngọc Lĩnh, Hiệu trưởng Trường THCS Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) đã tâm sự như vậy qua mỗi năm học ở ngôi trường mà thầy cho là “nghèo nhất” thành phố này. Thầy bảo “nghèo nhất” là bởi hầu hết học sinh ở đây là con em đồng bào dân tộc thiểu số, có đời sống hết sức khó khăn nên mỗi mùa tựu trường là mỗi lần phụ huynh lo lắng, chạy vạy ngược xuôi để lo cho con em mình ít nhất cũng bằng người ta để đến lớp.

Chi đoàn Báo Đắk Lắk trao quà “Nâng bước chân em đến trường” cho học sinh nghèo xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin nhân dịp đầu năm học mới 2023-2024. Ảnh: H. Chuyên

Gần 10 năm làm quản lý ngôi trường thuộc diện khó khăn trên, thầy Lĩnh thấu hiểu nỗi nhọc nhằn ấy, vì thế ngoài “kế hoạch không có trong niên biểu” là thành lập tổ vận động học sinh đến lớp, Trường THCS Ea Tu còn kêu gọi thầy cô giáo chung tay chia sẻ nỗi vất vả của học trò mình. Bản thân thầy hiệu trưởng chẳng nề hà vận động người thân, bạn bè góp sức nâng đỡ những phận nghèo - từ tấm áo, đôi giày, cặp sách… cho đến những lời động viên, thăm hỏi nhiều gia đình phụ huynh học sinh trên địa bàn, nhất là một số buôn làng người dân tộc thiểu số tại chỗ. Tình cảm cùng sự quan tâm ấy được thầy cô giáo toàn trường, trong đó có thầy Lĩnh chia sẻ hằng năm vào dịp đầu năm học mới. Đáp lại, đã có không ít học sinh trưởng thành từ mái trường này khắc ghi công ơn đó - dù đi đâu, làm gì cũng nhớ đến thầy cô với tấm lòng thơm thảo, mộc mạc và hồn hậu. Thầy Lĩnh kể: “Lúc thì đùm cà đắng, vài quả dưa, bầu, bí… gửi biếu thầy; lúc hồn nhiên chuyển lời cha mẹ mời thầy về nhà uống rượu khiến mình cảm thấy rất vui. Dạy và học ở một trường có đông học sinh nghèo, lắm lúc cũng có cái hay và rất tình cảm - một thứ tình cảm trong veo, không vụ lợi, càng không có ý nghĩ vun vén riêng tư...”.

Vẫn còn nhiều phận nghèo cần được cộng đồng, xã hội chia sẻ và nâng đỡ để con em họ bước tiếp trên con đường học vấn, tìm kiếm cơ hội vươn lên. Những việc làm dù nhỏ, nhưng đầy tình yêu thương chân thành của thầy giáo Phan Ngọc Lĩnh cũng như nhiều cá nhân khác, đến những chương trình/đề án có sức lan tỏa trong đời sống xã hội như: “Nâng bước học sinh nghèo đến trường”; “Thắp sáng ước mơ”; “Vì em hiếu học”; “Đồng hành cùng sinh viên nghèo”; “Con nuôi Đồn Biên phòng”… được nhiều tổ chức, cơ quan, đoàn thể phát động trước thềm năm học mới đã góp phần làm sinh động thêm việc giúp các em được đến trường học tập, lĩnh hội tri thức để làm hành trang vào đời.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc