Multimedia Đọc Báo in

Những thương, bệnh binh “tàn nhưng không phế”

07:40, 04/09/2023

Ở vùng căn cứ cách mạng xã Cư Pui (huyện Krông Bông) có nhiều thương, bệnh binh đã vượt lên trên những nỗi đau do vết thương chiến tranh gây ra để phấn đấu lao động sản xuất, tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào, hoạt động xã hội ở địa phương.

Nhìn ngôi nhà sàn bề thế bằng xi măng, cốt thép trị giá trên 1 tỷ đồng của bệnh binh 3/3 Y Kô Rơ Chăm (thường gọi là Ama Bom) ở buôn Khanh mới thấy hết thành quả lao động mà ông và gia đình tạo nên.

Năm 1968, khi mới 13 tuổi ông Y Kô Rơ Chăm tham gia du kích buôn, 2 năm sau ông được cử đi học bổ túc văn hóa để đào tạo trở thành cán bộ sau này. Năm 1975, ông được điều động về Huyện đội H9 trực tiếp tham gia chiến đấu giải phóng Nam Ka (huyện Lắk). Sau khi đất nước thống nhất, ông chuyển về đội công tác xã Hòa Hiệp (Cư Kuin). Từ năm 1978 đến năm 1990 ông về địa phương tham gia lực lượng du kích xã.

Bệnh binh Y Kô Rơ Chăm.

Do hoàn cảnh cha mẹ mất sớm, anh em cũng lần lượt qua đời, gia đình chỉ còn duy nhất mình Y Kô Rơ Chăm, nên ông được cấp trên cho phép ra quân. Trở về đời thường với bao khó khăn chồng chất, nhưng không chấp nhận cảnh đói nghèo, hằng ngày Ama Bom tích cực khai hoang, vỡ hóa được 6 ha đất trồng cà phê, ngô, lúa đậu… Nhờ chăm chỉ làm ăn, kinh tế gia đình ông ngày càng ổn định, xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm nhiều phương tiện sản xuất có giá trị, chăm lo cho 7 người con học hành.

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, Ama Bom còn sẵn sàng giúp đỡ bà con buôn làng cùng vươn lên. Ông đã chia sẻ cho những người khó khăn 2,3 ha đất để họ có đất sản xuất. Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, khi chính quyền mở đường giao thông nội đồng, nhiều người chưa đồng tình đòi tiền đền bù, Ama Bom đã đứng ra giải thích cho mọi người hiểu về lợi ích của việc làm đường; đồng thời tiên phong hiến 200 m2 đất trồng cà phê, để người dân cùng làm theo…

Ông Y Găm Niê (tên thường gọi Ama Nghiệp, bệnh binh 3/3 ở buôn Khóa) từng 2 lần nhập ngũ vào quân đội. Lần thứ nhất là năm 1970 ông nhập ngũ vào Huyện đội H9, đến tháng 3/1975 chuyển về đơn vị Thông tin Tỉnh đội Đắk Lắk, trực tiếp tham gia chiến dịch Xuân 1975 tại Nam Ka (Lắk). Sau ngày đất nước thống nhất ông về địa phương làm du kích xã tham gia truy quét Fulro ở Lâm Đồng. Năm 1981, ông nhận lệnh gọi nhập ngũ lần thứ hai thuộc đơn vị C1 Huyện đội Krông Bông đến năm 1986 xuất ngũ. Ama Nghiệp đã được tặng thưởng Huy chương kháng chiến hạng Nhì.

Bệnh binh Y Găm Niê.

Sau khi rời quân ngũ, vẫn giữ vững phẩm chất anh Bộ đội cụ Hồ, Ama Nghiệp luôn gương mẫu đi đầu trong mọi công việc ở địa phương. Là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh của buôn, ông tích cực vận động hội viên chuyển đổi cây trồng vật nuôi. Bản thân ông đã chuyển đổi 3 ha đất trồng cây hằng năm sang trồng cà phê, đầu tư tiền mua 10.000 cây giống keo lai trồng 2,8 ha rừng trên diện tích đất bạc màu.

Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, gia đình Ama Nghiệp đã hiến 150 m2 đất để làm đường giao thông nông thôn. Ông còn là một nhân tố tích cực vận động bà con trong buôn nỗ lực giữ gìn, bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, bản thân ông cũng biết thổi các nhạc cụ dân tộc như đing tuốt, hát kứt… Ama Nghiệp còn tích cực phối hợp với các ban ngành, đoàn thể trong buôn vận động người dân không tin, không nghe lời dụ dỗ, xúi giục của kẻ xấu…

Còn thương binh 4/4 Y Wiên Niê (tên thường gọi Ama Chăm, ở buôn Đắk Tuôr), dù sức khỏe suy giảm nhưng với tinh thần của người chiến sĩ cách mạng được tôi luyện, đã vươn lên chiến thắng đói, nghèo.

Thương binh Y Wiên Niê.

Năm 1978, Ama Chăm trở về cuộc sống đời thường sau 8 năm công tác trong lực lượng công an vũ trang, làm nhiệm vụ bảo vệ cơ quan Tỉnh ủy Đắk Lắk. Vượt lên thương tật, ông vẫn chăm chỉ lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Ngoài 2 ha đất trồng cà phê, lúa, sắn…, ông còn phát triển chăn nuôi đại gia súc, hiện tại trong chuồng còn 3 con trâu và 6 con bò…

Trong cuộc sống hằng ngày, Ama Chăm luôn giáo dục con cháu phải trung thành với Đảng, biết ơn các thế hệ đi trước, sống yêu thương, chan hòa với mọi người xung quanh. Gia đình ông cũng là một trong số ít gia đình còn giữ được nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc M’nông với 3 gia đình thuộc 3 thế hệ vẫn sống chung, ăn cùng một bếp. Thành thạo đánh chiêng và mong muốn bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, ông Ama Chăm đã trực tiếp truyền dạy cồng chiêng cho lớp trẻ, đội cồng chiêng trẻ do ông truyền dạy đã đạt giải Nhất tại Liên hoan Cồng chiêng cấp xã năm 2015. Ama Chăm còn được biết đến là người chế tác nhiều vật dụng truyền thống như gưng rai, các hình con thú để trang trí nơi an táng người chết và trong các ngày cúng yang của các gia đình.

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc