Multimedia Đọc Báo in

Tạo bứt phá trong công tác xuất khẩu lao động

08:51, 20/09/2023

Kết quả đưa lao động sang nước ngoài làm việc theo hợp đồng những năm gần đây rất đáng ghi nhận, song vẫn chưa thật sự bền vững, công tác tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp và xuất khẩu lao động (XKLĐ) trên địa bàn tỉnh còn gặp khó.

Vậy đâu là nguyên nhân và cần tháo gỡ những "nút thắt" gì để tạo bứt phá trong XKLĐ là trao đổi giữa PV Báo Đắk Lắk với ông NGUYỄN VĂN CƯỜNG, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk (thuộc Sở LĐ-TB&XH).

Ông Nguyễn Văn Cường.
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk Nguyễn Văn Cường.

*Là tỉnh có nguồn lao động khá dồi dào, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động không thiếu nhưng lao động lại chưa mặn mà lựa chọn, hoặc quyết định tham gia. Vì sao lại có tình trạng này thưa ông? 

Trong giai đoạn từ năm 2019 đến tháng 9/2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk (sau đây gọi là Trung tâm) đã tư vấn XKLĐ cho hơn 7.540 người; giới thiệu cho các đơn vị, doanh nghiệp hơn 771 lao động đến sơ tuyển, phỏng vấn. Kết quả đã có 426 lao động xuất cảnh sang thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Rumani,… Hiện có 35 lao động đã đậu đơn hàng đang học tiếng chờ xuất cảnh theo quy định.

Đây là sự nỗ lực rất lớn của Trung tâm trong việc phối hợp với chính quyền,  các đoàn thể địa phương tổ chức các phiên giao dịch việc làm tập trung, phiên giao dịch việc làm lưu động, ngày hội việc làm cũng như tận dụng các nền tảng xã hội để giúp người lao động nắm bắt kịp thời thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp, đơn vị để dễ dàng tìm kiếm việc làm. Song số lao động sang nước ngoài làm việc khá khiêm tốn trong số lao động đến tìm hiểu, nắm bắt thông tin về thị trường XKLĐ. 

Có nhiều nguyên nhân, nhưng có thể kể đến một số nguyên nhân như: từ năm 2020 đến giữa năm 2022, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, kéo theo đó công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động và XKLĐ gặp khó. Số lao động tìm được việc làm rất thấp, chủ yếu làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh, riêng thị trường XKLĐ bị ngưng.

Các thị trường XKLĐ truyền thống như: Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc),… hiện có dấu hiệu bão hòa; tỷ giá ngoại tệ ở một số nước bị mất giá; một số thị trường XKLĐ mới lại chưa có đánh kết quả cụ thể nên người lao động còn băn khoăn, chưa sẵn sàng tham gia.

Hiện nay mức sống của người dân đã được nâng lên. Hầu hết học sinh tốt nghiệp THPT đều muốn học lên cao đẳng, đại học, đặc biệt các chương trình du học, du học nghề, vừa học vừa làm... hấp dẫn nên việc XKLĐ không phải là ưu tiên lựa chọn của các em như trước đây.

Thêm một nguyên nhân nữa, người lao động, nhất là lao động đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chưa quen môi trường làm việc xa nhà trong thời gian dài nên chưa sẵn sàng tham gia XKLĐ. Mặt khác, nhận thức của lao động phần nào hạn chế, chưa có kỹ năng, chưa tìm hiểu kỹ thông tin về thị trường lao động ngoài nước... nên lựa chọn công việc, nơi làm việc chưa phù hợp đã ảnh hưởng đến thu nhập và quá trình tham gia XKLĐ.

*Ngoài những nguyên nhân ông đã đề cập, theo tìm hiểu của PV sở dĩ người lao động chưa mặn mà với việc ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng là do chưa thật tin tưởng, thậm chí là mất niềm tin đối với việc XKLĐ?

Đúng vậy, trong thời gian qua, một số công ty có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk, với chính quyền địa phương, mà trực tiếp xuống cơ sở tuyển dụng lao động nên một số thông tin về XKLĐ chưa đầy đủ, thiếu sự tin cậy, đặc biệt là các khoản chi phí chưa rõ ràng.

Cùng một đơn hàng, một thị trường XKLĐ nhưng mỗi doanh nghiệp thu một mức phí khác nhau, dẫn đến làm mất lòng tin của người lao động. Mặt khác, có một số người lao động thiếu thông tin về các đơn hàng nên lựa chọn việc làm không phù hợp.

Lao động huyện Krông  Ana tìm hiểu về  xuất khẩu lao động tại Phiên giao dịch việc  làm năm 2023. Ảnh: Hoàng Ân
Lao động huyện Krông Ana tìm hiểu thông tin về xuất khẩu lao động tại Phiên giao dịch việc làm năm 2023. Ảnh: Hoàng Ân

Bên cạnh những tồn tại, hạn chế nêu trên, đa phần người lao động trên địa bàn tỉnh có nhu cầu XKLĐ kinh tế gia đình đều khó khăn, nên không có khả năng đóng các khoản chi phí. Để vay vốn tín dụng ưu đãi, người lao động gặp vướng mắc về hồ sơ vay.

Cụ thể khi làm thủ tục vay vốn, cơ quan công chứng phải xác nhận vào mẫu 03/LĐNN của Ngân hàng chính sách xã hội (đây văn bản ủy quyền của người lao động vay vốn) nhưng cơ quan công chứng không chứng thực văn bản này, vì lý do: trong mẫu 03/LĐNN thiếu căn cứ số hợp đồng tín dụng (theo mẫu số 05/LĐNN), cơ quan công chứng đề nghị sửa đổi bổ sung biểu mẫu hoặc sử dụng biểu mẫu của cơ quan công chứng (bằng hình thức Hợp đồng ủy quyền), một số Ngân hàng chính sách đồng ý nhưng cũng có đơn vị không đồng ý.

Một số ít cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác tư vấn giới thiệu việc làm, XKLĐ, học nghề... nên sự chỉ đạo đối với công tác này chưa quyết liệt dẫn đến việc phối hợp tổ chức phiên giao dịch việc làm được kịp thời, thiếu chặt chẽ, kết quả đạt chưa cao.

*Theo ông để góp phần thúc đẩy, nâng cao hiệu quả XKLĐ tại địa phương cần phải gỡ những “nút thắt” nào?

Trước tiên, rất mong UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, các phòng, ban liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật của nhà nước về công tác tư vấn giới thiệu việc làm, công tác XKLĐ.

Đặc biệt tăng cường sự phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk để tổ chức các phiên giao dịch việc làm nhằm cung cấp thông tin thị trường lao động được đầy đủ, đa dạng, giúp người dân có nhiều sự lựa chọn công việc phù hợp với trình độ, năng lực bản thân.

Đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa trong công tác kiểm tra, giám sát các đơn vị có chức năng tư vấn, giới thiệu việc làm; đặc biệt, là các đơn vị được cấp phép tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn, nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời những sai sót có thể xảy ra; đồng thời nâng cao công tác quản lý Nhà nước đối với công tác này.

Về phía Ngân hàng chính sách xã hội sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình làm hồ sơ vay vốn cho người lao động.

Ngoài chính sách của Trung ương hỗ trợ người lao động được vay vốn, học nghề, học ngoại ngữ... khi tham gia XKLĐ, UBND tỉnh cần có chính sách hỗ trợ cho tất cả người lao động khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Chính sách này ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ đã thực hiện rất hiệu quả, mỗi lao động tham gia được hỗ trợ một khoản kinh phí.

*Xin cảm ơn ông! 

Hải Nguyên thực hiện

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.