Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Krông Bông:
Làm gì để đáp ứng được nhu cầu?
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp giúp lao động lao động nâng cao tay nghề, từ đó giúp tăng thu nhập, ổn định đời sống, góp phần giảm nghèo bền vững. Vì vậy, huyện Krông Bông đã và đang nỗ lực vào cuộc.
Nhu cầu đào tạo nghề cao
Krông Bông là huyện vùng sâu, khó khăn của tỉnh với dân số trên 100.900 người, có tỷ lệ hộ nghèo chiếm khá cao. Thu nhập chính của người dân trên địa bàn huyện chủ yếu là từ sản xuất nông nghiệp. Đối với những hộ không có hoặc có ít đất sản xuất, vai trò của việc học nghề lại càng rõ nét.
Đơn cử như gia đình bà Trần Thị Thu Thủy ở tổ dân phố 3 (thị trấn Krông Kmar) không có nghề nghiệp ổn định cũng không có đất sản xuất nên vợ chồng bà phải đi phụ hồ kiếm tiền trang trải cuộc sống. Ông bà có ba người con, thì hai người đã nghỉ học và cũng đến tuổi lao động nhưng chưa có nghề nghiệp gì. Bà Thủy bày tỏ: “Nhu cầu học nghề của các thành viên trong gia đình tôi rất cao. Song, việc tiếp cận các lớp học nghề gặp nhiều khó khăn do không nắm được thông tin”.
Ông Lê Văn Thụ (thôn 6, xã Khuê Ngọc Điền) đã biết ủ chua cỏ cho bò ăn sau khi được học lớp kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò. |
Ông Trương Hữu Phấn, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện cho biết, hằng năm đơn vị đều khảo sát, cập nhật thông tin nhu cầu học nghề của người dân, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đó, hằng năm đơn vị tổ chức từ 6 - 8 lớp đào tạo nghề miễn phí cho gần 300 học viên. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn tuyển sinh, khai giảng được 6 lớp đào tạo nghề cho 210 lao động nông thôn. Trong đó có 2 lớp may dân dụng; 2 lớp chăn nuôi trâu, bò; 1 lớp xây dựng dân dụng và 1 lớp may dân dụng.
Qua khảo sát, số người có nhu cầu học nghề trên địa bàn huyện đến năm 2030 là 4.060 người và tầm nhìn đến năm 2045 khoảng 10.000 người. Nhu cầu cụ thể của người dân cần đào tạo, bồi dưỡng các ngành nghề như: sửa chữa máy nông nghiệp, may dân dụng, kỹ thuật nấu ăn, xây dựng dân dụng, may công nghiệp, trồng - chăm sóc cây cà phê và cây tiêu, trồng và khai thác nấm, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Như vậy, đến năm 2030, ước tính mỗi năm huyện cần phải đào tạo nghề cho gần 600 học viên.
Làm sao để đáp ứng?
Theo kế hoạch, năm 2023, huyện sẽ mở 10 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với khoảng 350 học viên; trong đó chú trọng các nghề may dân dụng, xây dựng dân dụng, kỹ thuật nấu ăn, chăn nuôi trâu, bò. |
Để đáp ứng được nhu cầu đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn, hằng năm các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trên địa bàn huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ này. Tuy nhiên, với nhu cầu được đào tạo nghề cao đòi hỏi chính quyền địa phương cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa. Chính vì vậy, ngày 17/8/2023, Ban Thường vụ Huyện ủy Krông Bông đã ban hành Kế hoạch 159 – KH/HU về triển khai thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 4/5/2023 của Ban Bí thư về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Theo đó, huyện đề ra những giải pháp cụ thể; trong đó Trung tâm GDNN-GDTX huyện cần thường xuyên cập nhật chương trình dạy, giáo trình đào tạo “chuẩn đầu ra”; chương trình theo khung chương trình của giáo dục nghề nghiệp, giáo trình theo giáo trình chung và chương trình chuyên ngành đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Chủ động liên hệ với các cơ sở dạy nghề trong tỉnh để tham khảo tài liệu, giáo trình dạy nghề cho lao động nông thôn nghiên cứu, học hỏi. Ngoài ra, cần khai thác thêm kiến thức thiết thực trên các tài liệu khác... Từ những kiến thức tổng hợp trên, Trung tâm GDNN-GDTX huyện tiếp tục biên soạn nội dung phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương thành giáo trình dạy nghề cho lao động nông thôn phù hợp với đặc điểm, tình hình địa bàn huyện. Những nội dung, chương trình giảng dạy cần bám sát với nhu cầu thị trường và nhu cầu của người học, để dạy nghề cho lao động nông thôn luôn gắn chặt với thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tiến tới hội nhập và phát triển.
Học viên lớp xây dựng dân dụng ở xã Cư Drăm (huyện Krông Bông) thực hành nghề. |
Hơn nữa, để người dân trên địa bàn huyện tích cực tham gia lớp dạy nghề nông thôn, các cấp, ngành chức năng huyện cần tăng cường tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức đến cán bộ và các tầng lớp nhân dân về công tác đào tạo nghề, việc làm nhằm tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, phù hợp với từng địa phương của huyện.
Ban Thường vụ Huyện ủy cũng đề nghị các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương cần chủ động phối hợp giúp người dân nông thôn tiếp cận các lớp đào tạo, dạy nghề và bằng những hình thức phù hợp, tuyên truyền sâu rộng có hiệu quả đến với người dân nông thôn. Cùng với đó, khuyến khích việc truyền nghề, quan tâm hỗ trợ việc truyền nghề ở các làng nghề; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện thành lập cơ sở dạy nghề. Quan trọng hơn là cần tranh thủ nguồn lực của các tổ chức, cá nhân, đồng thời khuyến khích đầu tư, sự đóng góp và sáng kiến phát triển sự nghiệp đào tạo nghề cho lao động nông thôn để có tay nghề sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp và chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc