Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau

08:44, 26/10/2023

Những hoạt động thiết thực của các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau (gọi tắt là CLB liên thế hệ) trên địa bàn tỉnh như: hỗ trợ vay vốn, giúp đỡ nhau khi ốm đau, thể dục thể thao… đã góp phần cải thiện kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống cho các thành viên, nhất là người cao tuổi.

Thành lập năm 2021, CLB Liên thế hệ thôn 11, xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) là một trong những CLB có số quỹ đứng đầu tỉnh với 2,325 tỷ đồng. Số tiền này được dùng để làm kinh phí hoạt động và hỗ trợ vốn cho các thành viên. Trong 2 năm qua, đã có 60 thành viên được vay vốn để sản xuất, buôn bán, kinh doanh mang lại hiệu quả cao.

Là một trong những thành viên được vay vốn, bà Cao Thị Hiếu (69 tuổi, trú thôn 11, xã Hòa Thắng) chia sẻ: từ số tiền được vay, bà đã thuê 2 sào đất để thực hiện mô hình vườn ươm cây giống, mỗi năm, sau khi trừ chi phí bà lãi từ 60 – 80 triệu đồng. Với mức thu nhập ổn định, đến nay bà đã góp gần 100 triệu đồng vào quỹ của CLB. Bà Nguyễn Thị Thủy, Chủ nhiệm CLB cho biết thêm: các thành viên tham gia sinh hoạt không chỉ là người cao tuổi mà còn ở nhiều độ tuổi khác nhau, có kinh nghiệm ở nhiều lĩnh vực. Từ đó, các thành viên có thể học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau trong làm ăn phát triển kinh tế và đời sống văn hóa.

Mô hình chăn nuôi gà của thành viên Câu lạc bộ Liên thế hệ thôn 9 xã Cư Ni (huyện Ea Kar) từ nguồn vốn được hỗ trợ.

Đối với CLB Liên thế hệ ở thôn 9, xã Cư Ni (huyện Ea Kar), các vấn đề về an sinh xã hội, hỗ trợ người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn là các hoạt động được CLB tập trung thực hiện. Bà Nguyễn Thị Yên, Chủ nhiệm CLB chia sẻ, cứ đến 19 giờ hằng ngày, 50 thành viên của CLB lại tập trung đông đủ tại nhà bà Vũ Thị Trình (Phó Chủ nhiệm CLB) để tập thể dục dưỡng sinh và tập văn nghệ. Đây là hoạt động không chỉ giúp cải thiện sức khỏe mà còn tạo sự gắn kết giữa các thành viên. Thời gian tới, Ban chủ nhiệm CLB sẽ vận động các thành viên đóng góp quỹ theo điều kiện kinh tế, nhằm xây dựng quỹ lớn mạnh để giúp đỡ thêm nhiều hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Ông Lê Xuân Lý (66 tuổi, trú thôn 9, xã Cư Ni) bày tỏ, bản thân ông bị đau vai gáy, huyết áp cao đã nhiều năm, từ khi tham gia các hoạt động thể dục thể thao của CLB, không chỉ được cải thiện về sức khỏe mà đời sống tinh thần cũng được nâng lên.

Tiết mục văn nghệ của Câu lạc bộ Liên thế hệ thôn 11 xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột).

Ông Lê Năng Hảo, Phó Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh đánh giá: CLB liên thế hệ là mô hình hỗ trợ toàn diện cho các thành viên. Đến nay, toàn tỉnh có 145 CLB với nhiều hoạt động văn hóa, thể dục thể thao lành mạnh, tạo không khí vui tươi, gắn bó giữa các thành viên. Thời gian tới, Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương để duy trì và nhân rộng mô hình nhân văn này, mục tiêu đến năm 2025, toàn bộ 184 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều có CLB liên thế hệ. Qua đó, góp phần khơi dậy, phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, cùng địa phương xây dựng nông thôn mới nâng cao, đô thị văn minh...

Anh Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.