Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao hiệu quả hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

14:48, 25/10/2023

Sáng 25/10, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã tổ chức hội nghị đánh giá hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Tham dự hội nghị có Cục trưởng Cục việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) Vũ Trọng Bình và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp hữu quan.

Đại biểu tham dự hội nghị
Đại biểu tham dự hội nghị

Giai đoạn 2019-2023, thông qua các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức có chức năng, toàn tỉnh đã có 5.763 người xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài, chủ yếu các thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Ả rập Xê út…với các ngành nghề làm việc như cơ khí, sản xuất chế tạo, xây dựng, lắp ráp điện tử, nông nghiệp, giúp việc gia đình. Thu nhập bình quân của người lao động đi làm việc ở nước ngoài bình quân khoảng 20 triệu đồng/người/tháng; trong đó, một số thị trường có thu nhập cao như Hàn Quốc (35-40 triệu đồng/tháng), Nhật Bản (25-30 triệu đồng/tháng).

Thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vay vốn với lãi suất ưu đãi, trên cơ sở nguồn vốn của Trung ương và nguồn ngân sách địa phương bố trí, giai đoạn 2019-2023 Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh Đắk Lắk đã giải ngân cho 180 lượt người vay vốn với tổng số tiền gần 14 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, công tác dạy nghề, ngoại ngữ, giáo dục pháp luật, phong tục tập quán cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được chú trọng. Việc tổ chức, quản lý các doanh nghiệp thực hiện dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được quản lý, kiểm tra, giám sát thường xuyên. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk có 1 doanh nghiệp được Bộ LĐ-TB&XH cấp giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

a
 Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Hoàng Giang trao đổi thông tin tại hội nghị

Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại như: Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, ban, ngành về công tác này chưa đầy đủ, công tác quản lý nhà nước còn phân tán; số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng còn ít so với nguồn nhân lực của tỉnh, chi phí đi vẫn còn cao; tình trạng người lao động vi phạm pháp luật của nước sở tại, bỏ trốn làm việc bất hợp pháp vẫn còn đã ảnh hưởng xấu đến uy tín của người lao động Việt Nam và quan hệ quốc tế về lao động; năng lực của một số tổ chức, doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, cạnh tranh không lành mạnh…

Để đạt mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra là giai đoạn 2021- 2025 giải quyết việc làm cho khoảng 150.000 người; trong đó, xuất khẩu lao động khoảng 7.000-7.500 người, thời gian tới địa phương sẽ tập trung thực hiện các giải pháp: Xây dựng chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm gắn với nâng cao chất lượng tư vấn, hỗ trợ việc làm ngoài nước cho người lao động; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động người lao động nâng cao nhận thức về việc chủ động, tích cực trong việc tự tạo việc làm; thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài; tăng cường quản lý các doanh nghiệp đảm bảo hiệu quả, chặt chẽ, đúng quy định…

a
Cục trưởng Cục việc làm Vũ Trọng Bình phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Cục trưởng Cục việc làm Vũ Trọng Bình nhấn mạnh, việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài không chỉ giúp họ tạo việc làm, tăng thu nhập, có đời sống vật chất và tinh thần tốt hơn sau khi hết thời gian làm việc mà còn nâng cao trình độ tay nghề, kiến thức ngoại ngữ, tác phong nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỹ luật. Đây là nguồn nhân lực đáp ứng cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư vào địa phương nói riêng, Việt Nam nói chung. Do đó, để hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài đạt hiệu quả tốt nhất, địa phương cần xây dựng đề án, chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm nói chung, đưa lao động đi xuất khẩu nói riêng; tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của người lao động tham gia đi làm việc ở nước ngoài để tạo sự ổn định cho họ. Cùng với đó, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong quá trình chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ…

Thúy Hồng

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Búk chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Krông Búk đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.