Multimedia Đọc Báo in

Quản lý kho, bãi sầu riêng ở huyện Krông Pắc: Thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm

06:59, 27/10/2023

Mặc dù đã có nhiều chỉ đạo nhằm lập lại trật tự quản lý xây dựng trên địa bàn, nhưng do thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm nên nhiều công trình, kho, bãi nông sản (chủ yếu sầu riêng) không phép và xây dựng vượt quá hạn mức vẫn mọc tràn lan dọc tuyến Quốc lộ 26 đoạn qua địa bàn huyện Krông Pắc.

Hàng loạt công trình xây dựng không phép

Trước thực trạng các kho, bãi sầu riêng mọc lên ồ ạt, Sở Xây dựng đã thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định về trật tự xây dựng và quản lý đất đai đối với những công trình này ở "thủ phủ” sầu riêng Krông Pắc.

Theo đó, từ ngày 28/8 đến ngày 11/9/2023, Đoàn kiểm tra số 169 của Sở Xây dựng đã phối hợp với các đơn vị: Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Phòng Tài nguyên  - Môi trường huyện Krông Pắc và đại diện UBND các xã, thị trấn tiến hành kiểm tra, ghi nhận hiện trạng ngẫu nhiên 32 công trình trên tổng số 632 công trình tại địa bàn 6 xã (còn lại 10 xã không có báo cáo) do UBND huyện Krông Pắc cung cấp tại Báo cáo số 443b/BC-UBND ngày 24/8/2023.

Kho sầu riêng của Công ty TNHH Một thành viên xuất nhập khẩu Huy Thịnh Phát TG (xã Ea Kênh) xây dựng vượt hạn mức cho phép. Ảnh: Hoàng Hồng

Qua kiểm tra tại 32 công trình, Đoàn kiểm tra phát hiện 31 công trình (chiếm 96,88%) có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật trong các lĩnh vực xây dựng và đất đai. Trong đó, có 14 công trình đã được xử lý vi phạm hành chính và 18 công trình chưa được xử lý vi phạm hành chính. Đáng chú ý, trong tổng số 32 công trình được kiểm tra có đến 14 công trình không có giấy phép xây dựng (GPXD) nhưng địa phương vẫn không có biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu, thậm chí một số công trình có diện tích, quy mô xây dựng rất lớn. Đơn cử như nhà kho và nhà ở của hộ Nguyễn Hoàng Sa (thôn Phước Lộc 4, xã Ea Phê) có diện tích xây dựng là 3.433 m2; nhà kho của hộ Nguyễn Hạnh ở xã Hòa An xây dựng trên diện tích 2.193 m2; nhà kho kết hợp nhà ở của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thành Trung (thôn Tân Quảng, xã Ea Kênh) với diện tích xây dựng 5.332 m2…

 

Trước đó, trong số báo ra ngày 28 và 29/8, Báo Đắk Lắk đã có các bài viết “Xây dựng kho, bãi vụ mùa sầu riêng: Tiềm ẩn nhiều nỗi lo” phản ánh tình trạng nhộn nhịp xây dựng kho thu mua nông sản dọc tuyến Quốc lộ 26 tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi không tuân thủ các quy định về trật tự xây dựng và pháp luật đất đai.

Bên cạnh đó, nhiều nhà ở, kho bãi mặc dù có GPXD, nhưng diện tích xây vượt nhiều so với hạn mức cấp phép. Chẳng hạn như nhà kho của hộ Nguyễn Ngọc Hiếu (thôn 2, xã Ea Knuếc) diện tích cấp phép là 570 m2, nhưng diện tích xây dựng thực tế gần 3.154 m2 (vượt hạn mức 2.584 m2); 3 trong tổng số 4 nhà kho của Công ty TNHH Một thành viên Cà phê – Ca cao Tháng 10 (xã Ea Knuếc và Ea Phê) tổng diện tích cấp phép gần 4.730 m2, trong khi đó diện tích xây dựng thực tế của 4 kho hơn 9.300 m2 (vượt hạn mức 2.655 m2); nhà kho của hộ Nguyễn Thiên Trường (thị trấn Phước An) diện tích cấp phép là 300 m2, nhưng diện tích xây dựng thực tế là 1.428 m2 (vượt hạn mức 1.128 m2)…

100% công trình vi phạm chưa khôi phục hiện trạng

Có thể thấy, trong số 31 công trình có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật trong các lĩnh vực xây dựng và đất đai có 13 trường hợp chưa được lực lượng chức năng của UBND huyện và các xã thực hiện kiểm tra, xử lý.

Điều đáng nói nữa là địa phương lập hồ sơ xử lý các công trình vi phạm, nhưng chỉ thực hiện đối với các công trình do các doanh nghiệp tư nhân và người dân làm chủ đầu tư; còn các công trình có quy mô lớn do các công ty TNHH một thành viên, công ty cổ phần xây dựng lại không kiểm tra, lập hồ sơ xử lý vi phạm theo quy định. Việc này gây bất bình đẳng trong công tác kiểm tra xử lý vi phạm, ảnh hưởng không nhỏ đến sự tín nhiệm của người dân đối với bộ máy chính quyền các cấp và tính nghiêm minh của pháp luật.

Không những thế, việc theo dõi, đôn đốc xử lý vi phạm hành chính và tổ chức cưỡng chế áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với các công trình xây dựng có vi phạm chưa được UBND huyện Krông Pắc quan tâm chỉ đạo thực hiện, thiếu quyết liệt và chưa triệt để, chỉ chú trọng thu tiền phạt. Cụ thể, trong số 32 trường hợp mà Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên thì có 14 công trình đã được UBND huyện ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nhưng chỉ có 11 công trình chấp hành nộp phạt. Đặc biệt, toàn bộ công trình vi phạm đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đều chưa thực hiện khắc phục hậu quả theo quy định.

Các công trình kho, bãi sầu riêng được xây dựng ồ ạt dọc tuyến Quốc lộ 26 đoạn qua địa bàn huyện Krông Pắc. Ảnh: Hoàng Hồng

Mặt khác, số liệu báo cáo chi tiết các công trình của UBND các xã, thị trấn cung cấp cho UBND huyện để báo cáo cho Đoàn kiểm tra còn chưa đầy đủ, chưa chính xác và chưa chi tiết. Thậm chí, nhiều xã không thực hiện cung cấp số liệu báo cáo giúp Đoàn kiểm tra có cơ sở lựa chọn công trình xây dựng để thực hiện kiểm tra, có dấu hiệu che giấu, bao che cho các công trình vi phạm.

Theo kết luận của Đoàn kiểm tra, nguyên nhân dẫn đến các vi phạm trên là do UBND huyện, thị trấn và các xã chưa có sự quan tâm, phối hợp đúng mức trong việc thường xuyên kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền nên việc phát hiện vi phạm và xử lý vi phạm còn chưa được kịp thời và dứt điểm. Đồng thời, thiếu trách nhiệm trong việc theo dõi, phát hiện kiểm tra, xử lý và thông báo kịp thời đến các cơ quan có thẩm quyền để tổ chức kiểm tra, xử lý ngay từ khi mới phát sinh công trình xây dựng.

Biết rằng, huyện Krông Pắc là "thủ phủ" sầu riêng được công nhận thương hiệu nên tập trung nhiều thương lái từ khắp nơi về thu mua, do đó nhu cầu xây dựng và cho thuê kho bãi để bảo quản sản phẩm sầu riêng trong mùa vụ rất lớn. Tuy nhiên, vì lợi nhuận mà bất chấp vi phạm pháp luật, nể nang không cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm sẽ gây nhiều tác động và hệ lụy đến đời sống cũng như tình hình an ninh trật tự tại địa phương cả trước mắt và lâu dài.

Sở Xây dựng đã kiến nghị chính quyền địa phương thành lập Đoàn kiểm tra để rà soát, lập hồ sơ xử lý đối với tất cả các công trình xây dựng có vi phạm trên địa bàn huyện đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng theo phân cấp quản lý trật tự xây dựng, tránh để xảy ra tình trạng công trình xây dựng vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn mà không được phát hiện, kiểm tra xử lý nghiêm; đồng thời, kiên quyết tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, đơn vị liên quan trong việc quản lý trật tự xây dựng theo thẩm quyền.

Hoàng Tuyết - Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.