Multimedia Đọc Báo in

Trả lời kiến nghị của cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV (5)

16:27, 26/10/2023

3. Cử tri đề nghị nghiên cứu trình Chính phủ xem xét bổ sung tăng cường nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho tỉnh Đắk Lắk (tương đương hoặc cao hơn so với giai đoạn 2016 – 2020, tăng bổ sung ít nhất 2,81 tỷ đồng/xã) để tỉnh phấn đấu hoàn thành mục tiêu Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 – 2025 và đến năm 2030.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) trả lời: Tại các Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022, số 147/QĐ-TTg ngày 23/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 – 2025 của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của tỉnh Đắk Lắk là 884.838 triệu đồng. Tổng kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách Trung ương đã giao cho tỉnh Đắk Lắk thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trong giai đoạn 2021 – 2023 là 387.840 triệu đồng, đạt 43,83% kế hoạch; số vốn còn lại sẽ được cân đối, giao trong các năm 2024, 2025 còn lại của giai đoạn.

Tại điểm e khoản 2 Mục VI của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025 kèm theo Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định: UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động cân đối bố trí đủ nguồn vốn đối ứng từ ngân sách địa phương theo quy định, cũng như có giải pháp huy động hiệu quả các nguồn lực hợp pháp khác ngoài ngân sách để đầu tư xây dựng NTM. Do vậy, đề nghị tỉnh Đắk Lắk chủ động cân đối vốn ngân sách địa phương; lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án có liên quan, cũng như huy động hiệu quả các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Người dân xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) làm đường giao thông nông thôn mới.
Người dân xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) làm đường giao thông nông thôn mới.

4. Cử tri đề nghị bổ sung chỉ tiêu biên chế sự nghiệp giáo dục đào tạo còn thiếu so với quy định, đảm bảo đủ số lượng giáo viên trong việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bộ GD-ĐT trả lời: Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát, báo cáo để Chính phủ đề xuất Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 72-QĐ/TW (trong đó đã bổ sung 65.980 biên chế giáo viên giai đoạn 2022 – 2026. Riêng năm học 2022 – 2023 tạm giao 27.850 biên chế giáo viên cho các địa phương). Đồng thời, Bộ GD-ĐT ban hành Công văn số 3585/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 2/8/2022 về việc triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông theo Quyết định số 72-QĐ/TW. Theo đó, đã đề nghị các địa phương khẩn trương tuyển dụng số biên chế được giao và ưu tiên tuyển dụng giáo viên các môn học mới để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đề nghị tỉnh Đắk Lắk tuyển dụng hết số biên chế ngành giáo dục đã được giao (theo thống kê, năm học 2022 – 2023 Đắk Lắk còn 1.896 biên chế giáo viên chưa tuyển dụng) và triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên được bổ sung theo Quyết định số 72-QĐ/TW. Đồng thời, đề nghị địa phương tiếp tục chỉ đạo rà soát, xác định cụ thể số lượng, cơ cấu giáo viên còn thiếu của địa phương theo từng cấp học, môn học đến năm 2026, báo cáo Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ để bổ sung biên chế giáo viên trong tổng số biên chế giáo viên được bổ sung đến năm 2026 theo Quyết định số 72-QĐ/TW bảo đảm lộ trình và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương.

5. Cử tri đề nghị Bộ GD-ĐT quan tâm, xem xét triển khai Chương trình kiên cố hóa trường học, nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2021 – 2025; đồng thời quan tâm đề án tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hỗ trợ các tỉnh miền núi khó khăn để triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bộ GD-ĐT trả lời: Trong năm 2023, Bộ GD-ĐT đã tổ chức thực hiện khảo sát thực trạng cơ sở vật chất trường, lớp học tại các địa phương và ban hành văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát thực trạng, nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị trường học, báo cáo Bộ GD-ĐT (Công văn số 2838/BGDĐT-CSVC ngày 9/6/2023 của Bộ GD-ĐT).

Trên kết quả khảo sát và báo cáo của các địa phương, Bộ GD-ĐT sẽ tổng hợp nhu cầu đề làm căn cứ xây dựng các chương trình, đề án trình Quốc hội, Chính phủ để hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương tiếp tục kiên cố hóa, tăng cường cơ sở vật chất trường học, đặc biệt là các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Đồng thời, Bộ GD-ĐT đã đề nghị các địa phương chủ động cân đối, bố trí các nguồn ngân sách địa phương và huy động khác; thực hiện lồng ghép có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án, đề án khác đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện các nội dung đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

 Lan Anh (tổng hợp)

(Còn nữa)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.