Ươm mầm hữu nghị Việt - Lào
Năm học mới này, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) Tây Nguyên đón nhận 74 học sinh học từ THCS đến THPT, đến từ thủ đô Viên Chăn và các tỉnh Nam Lào (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) nhập học.
Giúp học sinh vượt qua những tháng ngày bỡ ngỡ không biết tiếng Việt, không hiểu văn hóa, nhà trường tổ chức các lớp học tiếng căn bản (học một năm) cho học sinh.
Được giao trực tiếp giảng dạy các em, các cô Dương Phượng Khánh và H'Phương Byă luôn nỗ lực sáng tạo để có cách truyền đạt hiệu quả nhất.
Cô Khánh chia sẻ, 5 năm trước, cô được giao phụ trách dạy tiếng Việt cho lưu học sinh Lào. Để dễ dàng giúp đỡ học sinh, ngoài 6 tháng tham gia học tiếng Lào, cô còn lên mạng, đọc sách báo, trực tiếp học ngôn ngữ mới thông qua các học trò của mình. Nhờ đó, những khác biệt từ cách phát âm, ngữ pháp cho đến sử dụng thanh điệu của hai ngôn ngữ Việt - Lào được cả cô và trò dần tháo gỡ trong những buổi học vui vẻ, ấm áp…
Cô Dương Phượng Khánh (Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Tây Nguyên) trò chuyện cùng các học sinh Lào. |
Không chỉ là những người thầy đầu tiên của học sinh Lào trên đất Việt, các thầy cô giáo của Trường PTDTNT Tây Nguyên còn đóng vai trò là bố mẹ, là bạn của những học sinh lứa tuổi thanh thiếu niên. Các thầy cô từng bước an ủi, động viên các em vượt qua nỗi nhớ gia đình, hướng dẫn học trò lối sống tự lập trong môi trường mới. Vì đặc thù của nhà trường, cuối tuần mới cho phép học sinh liên lạc với gia đình, nên các cô giáo xây dựng fanpage, chia sẻ hình ảnh, các hoạt động của học sinh Lào thường xuyên trên trang nhóm để việc kết nối giữa các bên luôn thông suốt. Cùng với đó, nhà trường cho học sinh Việt kèm học sinh Lào học tập; cho học sinh Việt - Lào ở chung khu nội trú để cùng học hỏi văn hóa, ngôn ngữ nên rất nhanh, học sinh Lào đã từng bước hòa nhập, làm quen với ngôn ngữ mới, môi trường mới.
Là một trong những du học sinh có thành tích học tập tốt, sành sỏi tiếng Việt gần như tiếng mẹ đẻ, em Channapha Somsanith (học sinh lớp 11) chia sẻ: “Từ chỗ xa lạ và nhớ nhà vô cùng, em đã thích nghi được với cuộc sống tự lập ở Việt Nam. Khi giao tiếp thường xuyên với các thầy cô và các bạn Việt Nam, em hiểu biết nhiều hơn, dùng từ chính xác hơn. Em sẽ cố gắng không ngừng trau dồi, học hỏi nhiều điều bổ ích từ đất nước Việt Nam để sau này góp sức phát triển quê hương Lào”.
Học sinh Lào tham gia giao lưu văn nghệ tại Lễ khai giảng của trường. |
Có 3 năm sinh sống ở Việt Nam, em Bunchăn Phăn-sạ-vẳn (học sinh lớp 11) ấn tượng nhất là sự tận tình, thân thiện, hòa đồng của thầy cô và các bạn Việt Nam. Như bao du học sinh Lào, Bunchăn Phăn-sạ-vẳn từng bước làm quen, học tiếng Việt và luôn nhận được sự giúp đỡ tận tình từ bạn học. Thích nhất với những người yêu thể thao như Bunchăn Phăn-sạ-vẳn là nhà trường có các câu lạc bộ âm nhạc, mỹ thuật, bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông, bơi lội… Mỗi khi cần giải trí hay luyện rèn, Bunchăn Phăn-sạ-vẳn lại cùng các bạn phát huy sở trường, nhờ đó tâm lý thoải mái hơn, chất lượng học tập cũng cải thiện đáng kể.
Thầy Nguyễn Ngọc Phan, Hiệu trưởng Trường PTDTNT Tây Nguyên đánh giá: đến thời điểm này, Trường PTDTNT Tây Nguyên đã và đang đào tạo 197 học sinh Lào với chất lượng tốt. Các em đã hòa nhập tốt cùng học sinh Việt, có nhiều đôi bạn cùng tiến, giúp đỡ nhau trong học tập và rèn luyện. Các em được đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn, chế độ và được giảng dạy, chăm sóc tận tình. Trong những năm qua, có nhiều em đạt học lực tốt, kết quả cao trong các kỳ thi, đã nhiều em được tuyển thẳng vào các trường đại học.
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc