Multimedia Đọc Báo in

Bồi đắp tình yêu sách trong cộng đồng

07:05, 13/11/2023

Rất nhiều chương trình, hoạt động, đề án đã và đang được thực hiện từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, khu vực biên giới của tỉnh nhằm nỗ lực lan tỏa văn hóa đọc và bồi đắp tình yêu sách trong cộng đồng.

Được chắp nối tình yêu sách từ nhỏ nên em Tăng Ngọc Khánh (học sinh Trường THCS & THPT Đông Du, TP. Buôn Ma Thuột) luôn tranh thủ thời gian tham gia các buổi tọa đàm, chương trình, hoạt động giới thiệu, quảng bá về sách.

Ngày rảnh, Khánh vẫn thường đến thư viện nhà trường hoặc ra nhà sách để thỏa niềm đam mê đọc. Bắt đầu là truyện tranh, truyện ngắn đến truyện dài, tiểu thuyết, sách khoa học đời sống… chỉ cần có cơ hội, Khánh đều "rinh" về cho mình cả kho tàng tri thức.

Em tâm tình: “Tìm đến sách như tìm thấy được những ô cửa mới với nhiều kiến thức thú vị và bổ ích. Em mạnh dạn, cởi mở hơn trong truyện trò cũng nhờ một phần từ các trang sách”.

Học sinh tìm kiếm sách yêu thích tại các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2023.

Tại các đồn biên phòng ở khu vực biên giới đều trang bị phòng đọc phục vụ cán bộ, chiến sĩ. Đơn cử, ở Đồn Biên phòng Bo Heng, phòng đọc được bố trí ở khu vực thoáng mát, yên tĩnh với hàng nghìn cuốn sách. Sách được sắp xếp ngay ngắn, khoa học, dễ tìm. Nội dung sách luôn được cập nhật mới, thiết thực, phù hợp, giúp bộ đội dễ dàng tiếp thu, vận dụng trong thực tiễn cuộc sống.

Mong muốn có thêm nhiều bạn đọc yêu sách, những năm qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh đã không ngừng kích thích, đưa sách đến gần hơn với cộng đồng như: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn thường tổ chức cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc; Thư viện tỉnh trưng bày, triển lãm sách (trực quan, trực tuyến) nhân dịp các ngày lễ lớn trong năm; thư viện các huyện, thị xã thường xuyên phối hợp với các trường học trên địa bàn luân phiên tổ chức ngày hội đọc sách nhằm hình thành thói quen, kỹ năng đọc sách cho thế hệ trẻ.

Kích thích văn hóa đọc ở cơ sở, không thể không kể đến “Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn” của Trung ương. Đây là đề án thể hiện quyết tâm lớn của Đảng đối với yêu cầu nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở, nhất là ở xã, phường, thị trấn. Từ năm 2009 đến nay, Đề án đã trang bị 36 đợt với 466 đầu sách và 13 đĩa CD cho tỉnh Đắk Lắk. Cụ thể tổng ấn phẩm mà tỉnh tiếp nhận lên đến gần 240.000, trong đó có trên 231.500 cuốn sách và trên 6.300 đĩa CD. Với đa dạng các thể loại, cán bộ, đảng viên, người dân có thể lựa chọn phù hợp với nhu cầu nghiên cứu, học tập, bổ sung kiến thức …

Một chương trình tặng sách cho bạn đọc ở Đường Sách Cà phê Buôn Ma Thuột năm 2023.

Tuy nhiên, thói quen đọc sách, tham khảo các ấn phẩm trực tiếp tại các thư viện ít nhiều hạn chế và mai một với minh chứng rõ nét là sự thưa vắng bạn đọc của nhiều thư viện. Điều đó dễ hiểu khi với sự phát triển của mạng Internet,  việc tra cứu, tìm hiểu các văn bản, tài liệu sách báo thuận tiện hơn, nhanh nhạy, kịp thời hơn; nhu cầu giải trí bằng sách cũng giảm trước sức hấp dẫn của mạng xã hội...

Thực tế cho thấy, việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng còn gặp nhiều rào cản. Theo Đề án, sách được trang bị cho cơ sở xã, phường, thị trấn nhưng địa bàn hành chính ở các đơn vị trong tỉnh rộng, để người dân đến được trụ sở Đảng ủy, UBND xã, phường, thị trấn đọc hoặc mượn sách là điều rất mất thời gian. Cùng với đó, việc phục vụ đọc sách ở những điểm này thường diễn ra vào giờ hành chính nên chỉ thực sự cần thiết thì người dân mới tìm đến nghiên cứu. Đó là chưa kể, thói quen đọc sách, tìm hiểu thông tin từ sách, báo, tài liệu của một số cán bộ, đảng viên và nhân dân còn chưa thường xuyên…

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Phúc Long, để đẩy mạnh văn hóa đọc, hệ thống sách báo, tài liệu cấp phát về cơ sở cần ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu nhất. Không chỉ đưa sách về tới xã, phường, thị trấn, mà còn nên đặt tủ sách ở tại các thôn, buôn nhằm phục vụ nhanh chóng nhu cầu thiết yếu của người dân. Một trong những đối tượng đọc nhiều, cần được quan tâm hiện nay chính là học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên. Vì vậy, ngành chức năng, thư viện các cấp cần xây dựng môi trường đọc phù hợp, ứng dụng các trang thiết bị hiện đại; cập nhật sách, báo thường xuyên; tổ chức đa dạng chương trình, cuộc thi hướng về cơ sở để thu hút ngày càng đông đảo bạn trẻ.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc