Multimedia Đọc Báo in

Điểm sáng của ngành giáo dục huyện biên giới

07:06, 13/11/2023

Trường Tiểu học Cư M’lan đứng chân trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thuộc huyện biên giới Ea Súp. Thời gian qua, thầy và trò nhà trường đã có nhiều nỗ lực trong công tác dạy - học, trở thành một trong những điểm sáng của ngành giáo dục huyện biên giới.

Trường Tiểu học Cư M’lan hiện có 21 lớp, 627 học sinh, tỷ lệ học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 59%. Đặc biệt, Trường Tiểu học Cư M’lan có điểm trường Bình Lợi cách trường chính hơn 15 km, tất cả học sinh đều là con em người dân di cư tự do. Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, cảnh quan sư phạm nhà trường luôn được duy trì xanh - sạch - đẹp và an toàn, có đủ các phòng học văn hóa, đồ dùng, thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ giảng dạy và học tập.

Cô Nguyễn Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cư M'lan kiểm tra chất lượng bữa ăn trưa của học sinh bán trú.

Khó khăn lớn nhất ở trường này là hầu hết học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số không qua mẫu giáo, vào lớp 1 nhưng không nói được tiếng phổ thông. Trước tình trạng này, Ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo các thầy cô giáo chú trọng dạy tiếng Việt cho các em; tạo môi trường ngôn ngữ giao tiếp thường xuyên trong lớp học, hướng dẫn các em biết chữ hỗ trợ các em không biết; tổ chức cho học sinh đọc thư viện, xem phim hoạt hình tiếng Việt sau giờ học; bố trí thêm 1 tiết đọc, 2 tiết tăng cường tiếng Việt/tuần. Đồng thời, tổ chức Ngày hội đọc sách nhằm tăng niềm yêu thích đọc sách, khả năng tiếng Việt cho học sinh. Nhờ đó, sau hai tháng, các em đã cải thiện vốn tiếng Việt, giúp tiếp thu bài tốt hơn.

Về công tác đổi mới phương pháp dạy - học, nhà trường luôn hướng đến mục tiêu phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; chú trọng dạy học theo hướng phát triển năng lực người học. Chủ động xây dựng kế hoạch dạy học thể hiện rõ hoạt động của giáo viên và học sinh, tạo điều kiện để học sinh hoàn thành bài trên lớp. Khuyến khích giáo viên suy nghĩ, tìm tòi tự làm đồ dùng dạy học sáng tạo, phục vụ hiệu quả cho các tiết dạy. Cùng với đó, trường tổ chức các hình thức dạy học trên lớp chất lượng, nhằm đạt trình độ chuẩn kiến thức bộ môn; kết hợp học tập với vui chơi để giúp các em phát triển toàn diện. Năm học 2022 – 2023 vừa qua, tỷ lệ huy động học sinh đến lớp của trường đạt 100%, có 58% học sinh được khen thưởng.

Dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, cô trò điểm trường Bình Lợi (Trường Tiểu học Cư M'lan) vẫn nỗ lực dạy tốt, học tốt.

Trong hoạt động giáo dục phẩm chất đạo đức, nhà trường đã xây dựng kế hoạch và triển khai đến toàn thể giáo viên dạy có hiệu quả các tiết đạo đức trong chương trình, chú trọng giờ luyện tập thực hành, giáo dục lồng ghép quyền trẻ em, giáo dục an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và dinh dưỡng học đường. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tai nạn thương tích, xây dựng trường học an toàn trong nhà trường, tuyên truyền văn bản chỉ đạo cấp trên về việc trẻ em bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy. Cùng với đó, nhà trường đã lồng ghép vào các chủ đề trong chương trình giảng dạy gắn với cuộc vận động xây dựng “Nhà trường văn hóa - Nhà giáo mẫu mực”, “Trường học thân thiện - Học sinh tích cực”.

Do có nhiều học sinh ở xa, điều kiện gia đình khó khăn, từ năm học 2020 - 2021 đến nay, trường đã kêu gọi xã hội hóa để xây dựng nhà bán trú, nội trú, trị giá hơn 1 tỷ đồng. Trong năm học này, 130 em ở lại trường được hỗ trợ 17.000 đồng/học sinh cho hai bữa ăn. Nhà trường thường duy trì tốt việc trao đổi thông tin với phụ huynh về tình hình học tập cũng như giáo dục đạo đức tác phong, rèn kỹ năng sống cho học sinh. Lãnh đạo nhà trường cũng tích cực tham mưu với các ban, ngành, đoàn thể, các cấp ở địa phương nhằm huy động tất cả các nguồn lực về tinh thần cũng như vật chất trong công tác xây dựng nhà trường và môi trường giáo dục nhằm không ngừng nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục.

Cô Trần Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cư M'lan cho biết, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Ban giám hiệu, người đứng đầu luôn phát huy tinh thần gương mẫu, tiên phong. Nhà trường xây dựng một tập thể đoàn kết, nhất trí, cộng đồng trách nhiệm, phát huy năng lực, chủ động, sáng tạo của từng cá nhân, hết lòng vì học sinh. Ngay từ đầu năm học, lãnh đạo nhà trường đã xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu phấn đấu cho từng hoạt động theo nhiệm vụ của năm học. Có kế hoạch hằng tháng, hằng tuần và biện pháp thực hiện, cụ thể, khoa học.

Trường Tiểu học Cư M'lan hiện có 41 cán bộ, giáo viên, nhân viên có bề dày kinh nghiệm, nghiệp vụ chuyên môn vững vàng, nhiệt tình trong công tác, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Năm 2010, nhà trường được công nhận Trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I; năm 2017 và năm 2022 được công nhận lại Trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I. Năm học 2017 - 2018, 2019 - 2020, được UBND tỉnh tặng danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc. Năm học 2021 - 2022, được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.