Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư Kuin: Hướng đi hiệu quả trong giảm nghèo bền vững

08:01, 30/11/2023

Xác định xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một trong những hướng đi hiệu quả trong giảm nghèo bền vững, thời gian qua huyện cư Kuin đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đẩy mạnh công tác này, qua đó đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

"Đổi đời" nhờ XKLĐ

Gia đình ông Y Hai Niê, ở buôn Hluk (xã Ea Tiêu) thuộc diện khó khăn.

Nhà có đông con, ít đất sản xuất, mặc dù làm lụng vất vả quanh năm nhưng cuộc sống vẫn không mấy dư dả. Tốt nghiệp đại học nhưng chưa xin được việc làm, năm 2020, cô con gái H’Hằng B’Krông của ông quyết định xin đi XKLĐ.

H’Hằng nộp hồ sơ và trúng tuyển sang Nhật Bản làm việc trong ngành vệ sinh nhà ở, khách sạn. Với thu nhập 4 triệu đồng/ngày, sau khi trừ chi phí sinh hoạt, mỗi tháng cô cũng dành dụm tiết kiệm, trả hết nợ vay khi làm thủ tục XKLĐ; đồng thời cùng chồng (cũng là người ở Đắk Lắk đi XKLĐ) mở một công ty tư nhân bên Nhật Bản.

Ông Y Hai Niê vui vẻ nói: “Sau khi hết thời hạn làm việc 3 năm, con gái mình về nước làm thủ tục xin visa để tiếp tục ở lại bên Nhật Bản thêm 5 năm nữa. Hiện nay, kinh tế gia đình mình đỡ khó khăn hơn trước, cũng mong con làm việc tốt để phát triển hơn…”

Cán bộ làm công tác lao động, thương binh và xã hội, hỏi thăm tình hình phát triển kinh tế gia đình ông Y Hai Niê (thứ hai từ trái sang).

Hay như chị H’Ngăng Êban, buôn Êga (xã Ea Tiêu) đi XKLĐ tại Maylaysia năm 2013 đến năm 2016 về nước đã tiết kiệm mua được 8 sào rẫy để trồng tiêu, cà phê, xây dựng nhà cửa khang trang. Thấy được hiệu quả từ XKLĐ mang lại hiệu quả rõ rệt, năm nay H’Ngăng tiếp tục động viên anh, chị, em trong gia đình cùng mình sang Malaysia làm việc…

Chủ tịch UBND xã Ea Tiêu Nguyễn Năng Tuấn cho biết, trên địa bàn xã có khá nhiều người đi XKLĐ tại các thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Malaysia… Chỉ tính riêng năm 2023, xã có 14 công dân XKLĐ. Sau khi sang các nước bạn làm việc, chỉ từ 2-3 tháng, nhiều người lao động đã có tiền gửi về gia đình để trang trải cuộc sống, tích lũy vốn…

Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ

Những năm gần đây, công tác XKLĐ trên địa bàn huyện Cư Kuin được coi là một trong những giải pháp tạo việc làm có mức thu nhập cao góp phần giảm nghèo bền vững, thay đổi tư duy, trình độ sản xuất của người lao động, người nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Từ năm 2019 đến nay, toàn huyện có 486 người đi lao động xuất khẩu; riêng 10 tháng đầu năm 2023 có 168 lao động tham gia làm việc ở nước ngoài. Sau khi kết thúc hợp đồng làm việc trở về địa phương, phần lớn các lao động đều tích lũy từ 800 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng để làm vốn phát triển kinh tế gia đình.

Để đạt được những kết quả này, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể các cấp thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; kết nối thường xuyên với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các doanh nghiệp có năng lực, uy tín trong hoạt động XKLĐ được Sở LĐ - TB&XH giới thiệu; cập nhật thông tin về thị trường lao động ngoài nước để chuyển tải đến với người lao động và đăng tải trên trang thông tin điện tử của huyện.

Phó Trưởng Phòng LĐ - TB&XH huyện Cư Kuin Đặng Thị Huyền Trang cho biết, hằng năm, UBND huyện giao chỉ tiêu kế hoạch về giải quyết việc làm cho người lao động, trong đó có chỉ tiêu XKLĐ; ban hành các kế hoạch, văn bản triển khai, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, địa phương; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện nhằm phát huy kết quả đạt được, kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế…

Từ năm 2019 đến nay, huyện đã tổ chức 4 chương trình tư vấn học nghề, việc làm, XKLĐ cho người lao động; 35 phiên giao dịch việc làm lưu động tại các xã; tạo điều kiện cho 24 lao động dân tộc thiểu số, lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thân nhân người có công đi làm việc ở nước ngoài được vay vốn ưu đãi, với tổng số tiền trên 2 tỷ đồng…

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.