Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao chất lượng giáo dục: Nhìn từ trường chuẩn quốc gia (Kỳ 2)

08:10, 07/11/2023

Kỳ 2: Chuyển động tích cực từ nội lực

Bám sát các tiêu chí về trường chuẩn quốc gia, ngành giáo dục tỉnh đã nỗ lực phát huy nội lực để khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất trong dạy và học, thúc đẩy đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo (GD-ĐT), từng bước hội nhập quốc tế.

Thay đổi tư duy giáo dục

Theo đánh giá của ngành giáo dục, những năm qua các trường học đã tích hợp đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học; thay đổi tư duy giáo dục từ đánh giá kết quả chuyển sang đánh giá quá trình; đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh…

Đồng thời triển khai đồng bộ các hoạt động giáo dục khác, tạo môi trường phát triển toàn diện cho học sinh theo định hướng Bộ GD-ĐT đưa ra như: hoạt động giáo dục trải nghiệm sáng tạo; giáo dục hướng nghiệp; giáo dục kỹ năng sống; giáo dục thể chất; nghiên cứu khoa học trong trường học...

Nhờ đó, chất lượng giáo dục từ mầm non đến phổ thông từng bước được nâng lên; khoảng cách giáo dục giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn được rút ngắn; giữ vững vị thế top đầu khu vực về thành tích tại các kỳ thi Olympic, kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT quốc gia, cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo trong học sinh, sinh viên…

Cô Bùi Thị Liên, giáo viên Trường THPT Ngô Gia Tự (hàng ngồi, thứ tư từ trái sang) cùng giáo viên các nước tham gia chương trình Fulbright TEA tại Đại học bang Georgia, Atlanta, Hoa Kỳ 2022. Ảnh: Ngọc Linh

Tiến sĩ Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng, cái được rõ nhất khi triển khai xây dựng trường chuẩn quốc gia là sự đầu tư về cơ sở vật chất gắn với đổi thay về nội lực, cách thức quản lý và tổ chức dạy học tại trường. Những tiết học nhàm chán trở nên sôi động hơn thông qua việc thực hiện các đề tài, dự án học tập ngay từ bậc trung học; học sinh tiếp nhận kiến thức một cách chủ động có chủ đích, được tham gia nhiều hoạt động tại trường theo khả năng và sở thích của mình…

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt ra chỉ tiêu đến năm 2025 có 60% trường học trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn quốc gia.

Phát huy lợi thế của vùng giáo dục thuận lợi, những năm qua TP. Buôn Ma Thuột luôn là địa phương dẫn đầu trong xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Đến nay, thành phố đã có 90/97 trường học đạt chuẩn quốc gia, chiếm 92,8% tổng số trường học trên địa bàn thành phố (mầm non có 19/23 trường đạt chuẩn, tiểu học là 44/47 trường, THCS 27/27 trường). Ông Nguyễn Hữu Thọ, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT TP. Buôn Ma Thuột cho hay, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia là một trong những “chìa khóa vàng” để nâng cao chất lượng giáo dục, bởi GD-ĐT là ngành đặc thù đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường. Qua xây dựng trường chuẩn, phụ huynh có thêm cơ hội tham gia vào các hoạt động của trường để hiểu hơn về công tác giáo dục con mình tại trường; từ đó đồng hành cùng con, phối hợp với nhà trường chăm lo chu đáo việc học của học sinh.

Hướng người học đến với cộng đồng

Trong quá trình hoàn thiện và nâng cao các tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã xây dựng trường học theo hướng lấy người học làm trung tâm, hướng người học đến với cộng đồng theo tinh thần Nghị quyết 29 nhằm rộng đường cho học sinh tìm kiếm tri thức mới ngoài chương trình học khi đang học phổ thông, sẵn sàng tham gia vào hệ thống giáo dục quốc tế.

Học sinh Trường THPT Ngô Gia Tự thuyết trình về văn hóa các nước tại Ngày hội Văn hóa thế giới 2022.

Điển hình là từ năm 2019, Trường THPT Ngô Gia Tự (huyện Ea Kar) đã triển khai mô hình “Đẩy mạnh truyền thông, hợp tác quốc tế và xây dựng môi trường học, sử dụng ngoại ngữ” một cách linh hoạt, đa dạng nhằm chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển GD-ĐT. Theo đó, nhà trường đã tổ chức các hoạt động bổ ích như: gây dựng, phát triển Câu lạc bộ tiếng Anh cho học sinh yêu thích tiếng Anh; thực hiện dự án “Learn Everywhere” (trang trí khuôn viên nhà trường bằng các biểu ngữ tiếng Việt và tiếng Anh); tổ chức “Ngày hội Văn hóa thế giới” cho học sinh toàn trường; phát động học sinh tham gia cuộc thi “Viết thư cho ông già Noel" bằng tiếng Anh dành cho học sinh thuộc ba nước khu vực Đông Dương và có 3 học sinh đoạt giải; Dự án “Link to the world" của Câu lạc bộ tiếng Anh lọt top 50 dự án giáo dục xuất sắc nhất toàn quốc tham dự vòng chung kết diễn đàn đổi mới sáng tạo tại Hà Nội tháng 1/2019...

Cô Phạm Thị Dinh, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Gia Tự tự hào khi đây là trường đầu tiên trong tỉnh Đắk Lắk được Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ chương trình học bổng tiếng Anh Access cho 27 học sinh có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá gần 25 nghìn USD. Từ nền tảng đó, cán bộ, giáo viên nhà trường đã tích cực bồi dưỡng, nâng cao trình độ tiếng Anh hợp tác quốc tế và được nhận học bổng do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ; từng bước đổi mới phương pháp, nâng cao khả năng tự học, tự nghiên cứu. Phong trào học tiếng Anh của học sinh tại trường được đẩy mạnh; nhiều em đạt trình độ IELTS từ 6.5 trở lên, có cơ hội được tuyển thẳng vào các trường đại học danh tiếng…

Trường THCS Phan Chu Trinh (TP. Buôn Ma Thuột) là một trong những trường học đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Sau chặng đường dài nỗ lực xây dựng và phát triển, nhà trường đã có một thương hiệu riêng nhờ chất lượng đầu ra luôn ổn định và dẫn đầu tỉnh về thành tích thi học sinh giỏi các cấp... Để có được kết quả đó, tập thể giáo viên, học sinh, phụ huynh luôn gắn kết cùng xây dựng môi trường học tập lành mạnh. Ông Biện Văn Nam, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phan Chu Trinh chia sẻ, để đáp ứng nhu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường đang tiến hành xây dựng các tiết học thông minh, môn học thông minh (tiếng Anh, tiếng Pháp), chú trọng thực hành thí nghiệm ở các môn học khoa học tự nhiên… để các em học đi đôi với hành và làm chủ kiến thức. Hiện tại, trường đang hướng đến mục tiêu đạt chuẩn quốc gia mức độ 3 trong tương lai.

(Còn nữa)

Kỳ cuối: Hướng tới mục tiêu nâng chuẩn

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.