Nét mới trong cách tiếp cận sách cho thiếu nhi
Được tiếp xúc với nhiều loại hình giải trí từ sớm, nhiều bạn nhỏ đã không còn hứng thú với sách.
Để khơi dậy và lan tỏa niềm đam mê đọc sách, xây dựng văn hóa đọc cho thiếu nhi, đồng thời tạo cơ hội cho các em tìm hiểu thêm về lịch sử, văn hóa vùng đất Tây Nguyên, mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội thi “Thiếu nhi tuyên truyền giới thiệu sách năm 2023”.
Hiện nay, môi trường đọc cho thiếu nhi tại nhiều địa phương vẫn chưa thực sự phù hợp trong việc tiếp cận thông tin; tỷ lệ thiếu nhi đọc sách thường xuyên chưa cao, chưa bền vững; hoạt động khuyến đọc nhiều nơi còn mang tính phong trào và chưa thực sự chú trọng việc hình thành thói quen, kỹ năng đọc, xử lý thông tin cho thiếu nhi. Do đó, việc được tiếp cận với sách thông qua hình ảnh sinh động cùng những tiết mục năng khiếu trong hội thi giúp các em hiểu được vai trò và tầm quan trọng của sách, tôn vinh các giá trị của sách và trang bị thêm phương pháp đọc, lựa chọn sách hiệu quả.
Đến với hội thi, học sinh có cơ hội được tiếp cận nhiều sách hay, bổ ích được trưng bày trong khu vực tổ chức. |
Các tiết mục dự thi đã mang đến một “luồng gió mới” trong việc truyền tải các thông điệp ý nghĩa, tạo môi trường để các em học sinh gặp gỡ, giao lưu nâng cao kỹ năng, kiến thức. Em Nguyễn Thị Phương Trang, học sinh lớp 8C, Trường THCS Chư Quynh (huyện Cư Kuin) chia sẻ: “Được xem cách các bạn giới thiệu tác phẩm bằng những tiết mục, câu chuyện sinh động, hấp dẫn đã giúp em hiểu sâu sắc hơn về truyền thống anh hùng của các thế hệ cha anh trong công cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức. Sau hội thi, em đã biết thêm nhiều kiến thức mới và được tiếp cận với nhiều cuốn sách hay, bổ ích”.
Tham gia hội thi, các em thiếu nhi không chỉ được trang bị thêm kiến thức, kỹ năng, thông điệp qua những câu chuyện, cuốn sách mà còn thông qua đó giới thiệu về mảnh đất mình đang sinh sống. Em H’Tuyết Niê, học sinh lớp 9A, Trường Tiểu học - THCS Ama Trang Lơng (huyện Buôn Đôn) vui vẻ bày tỏ: “Đến với hội thi, chúng em không chỉ muốn giới thiệu đến mọi người những quyển sách hay mà còn muốn quảng bá những nét văn hóa đặc sắc tại địa phương mình đang sinh sống. Vì vậy, chúng em đã mở màn bài dự thi bằng một tiết mục biểu diễn nhạc cụ dân tộc nhằm giới thiệu tới người xem một trong những nét văn hóa độc đáo nơi đây”. Cách giới thiệu và tiếp cận sách độc đáo của đội thi Buôn Đôn đã nhận được sự thu hút, tán thưởng của đông đảo khán giả, được ban tổ chức đánh giá cao, qua đó đội đã giành giải Nhất tại hội thi.
Những hình ảnh, sự kiện hào hùng trong quyển sách "Buôn Ma Thuột - Trận đánh lịch sử" được các thí sinh đến từ đội thi Trường THCS Phan Chu Trinh (TP. Buôn Ma Thuột) tái hiện trên sân khấu. |
Bên cạnh đó, hội thi còn là cơ hội để nhiều giáo viên, cán bộ trên địa bàn tỉnh được gặp gỡ, giao lưu và trao đổi kinh nghiệm xây dựng phương pháp phát triển văn hóa đọc tại trường học. Cùng đồng hành với các em học sinh đến hội thi, cô Nguyễn Thị Thu Trang, cán bộ Thư viện Trường THCS Ngô Quyền (huyện M’Drắk) tâm sự: “Trường của chúng tôi nằm ở vùng sâu, vùng xa nên việc tiếp cận với sách trong môi trường học đường vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện nay thư viện của trường có hơn 7.000 quyển sách nhưng vẫn chưa thu hút được nhiều em đến tìm đọc. Qua hội thi, tôi thấy việc tuyên truyền, giới thiệu sách bằng các phương pháp sinh động, cuốn hút là một trong những cách giúp thúc đẩy thế hệ trẻ tìm đến những quyển sách hay. Thời gian tới, tôi sẽ tham mưu, phối hợp với nhà trường tổ chức hội thi tuyên truyền, giới thiệu sách dành cho các cấp học sinh trong trường, hướng tới việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc cho các em”.
Với những thành công bước đầu đạt được, ông Lê Phúc Long, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, hội thi sẽ được tổ chức thường niên. Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục mở rộng quy mô, thành phần tham gia dự thi, đồng thời tổ chức thêm nhiều hoạt động nhằm phát triển văn hóa đọc dành riêng cho lứa tuổi thiếu nhi.
Thu Thảo
Ý kiến bạn đọc