Multimedia Đọc Báo in

Tăng sức “đề kháng” cho học sinh

07:55, 29/11/2023

Đa dạng hóa cách thức tuyên truyền phổ biến pháp luật, giáo dục đạo đức, xây dựng lối sống đẹp là phương thức hữu hiệu giúp học sinh tăng sức "đề kháng" trước vấn nạn bạo lực học đường (BLHĐ).

Nâng cao kiến thức pháp luật

Đầu tháng 11 vừa qua, Tỉnh Đoàn, Thành Đoàn Buôn Ma Thuột và Viện KSND tỉnh phối hợp tổ chức “Phiên tòa giả định” tại Trường THPT Lê Quý Đôn với sự tham gia của hơn 1.600 học sinh.

Thông qua hình thức sân khấu hóa tái hiện lại một tình huống có thật về mâu thuẫn cá nhân dẫn đến xảy ra BLHĐ, gây hậu quả nghiêm trọng. Hội đồng xét xử phân tích rõ điều kiện, mục đích, động cơ phạm tội, cũng như tính chất, mức độ mà hành vi của các bị cáo gây nên, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhân thân của các bị cáo. Đồng thời, đi sâu vào phân tích về hành vi phạm tội, hậu quả mà đối tượng phải nhận về hành vi vi phạm gây ra.

Phiên toà giả định được tổ chức tại Trường THPT Lê Quý Đôn.

Là một trong những người trực tiếp tham gia tiểu phẩm, em Trần Đại Dũng (học sinh lớp 11) bày tỏ: “Thông qua báo, đài em biết rằng nhiều vụ BLHĐ đã để lại hậu quả nghiêm trọng không chỉ cho người bị hại mà còn cả những người phạm tội. Được trực tiếp tham dự phiên tòa giả định, chúng em có cơ hội tiếp cận các tình tiết vụ án, các quy định pháp luật một cách cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ; hiểu hơn về mức độ nghiêm trọng của BLHĐ để biết cách phòng tránh”.

Là một nội dung quan trọng trong chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh niên, hằng năm Tỉnh Đoàn đều có hướng dẫn và chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch tổ chức, triển khai đồng bộ và hiệu quả diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường” tại các trường học trên địa bàn. Trong quá trình triển khai, nhiều cơ sở Đoàn đã có cách làm mới, sáng tạo và cuốn hút với các bạn học sinh như: tổ chức cuộc thi sáng tác video clip, cuộc thi vẽ tranh cổ động về tình bạn đẹp, phòng, chống BLHĐ; tổ chức hội thi diễn kịch với những tình huống thực tế và cách giải quyết vấn đề; hội thi “Rung chuông vàng” có chủ đề liên quan BLHĐ.

Tại các diễn đàn như thế này, học sinh có cơ hội được bày tỏ quan điểm, suy nghĩ về vấn đề BLHĐ, tâm lý lứa tuổi; được nghe các ngành chức năng chia sẻ, trao đổi những nguyên nhân gây BLHĐ; những kiến thức pháp luật có liên quan đến hậu quả do BLHĐ gây ra; kỹ năng xử lý tình huống để ngăn chặn hoặc tham gia giải quyết, đấu tranh với các hành vi BLHĐ; những thói quen tốt, hành động đẹp trong việc phòng, chống BLHĐ…

Làm chủ không gian mạng

Trong thời đại 4.0, các bạn trẻ dành không ít thời gian cho mạng xã hội và dễ bị cuốn theo các trào lưu, dễ rơi vào trạng thái mất cân bằng cảm xúc. Trên thực tế, rất nhiều vụ việc BLHĐ xảy ra mà nguyên nhân xuất phát từ các mâu thuẫn trên mạng xã hội. Nhận thức rõ điều đó, hầu hết các trường học trên địa bàn đều có các kênh thông tin trên không gian mạng để kết nối, tập hợp, tương tác, tuyên truyền, định hướng tư tưởng cho thanh thiếu nhi.

Đặc biệt coi trọng việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trên môi trường mạng, Trường THCS Ngô Mây (huyện Cư M’gar) đã xây dựng các trang fanpage trên mạng xã hội Facebook. Ngoài việc thường xuyên chia sẻ thông tin và phản bác những luận điệu sai trái, câu chuyện chưa đúng sự thật để học sinh hiểu, tiếp nhận thông tin chuẩn mực hơn, các thầy cô giáo còn chia sẻ những câu chuyện hay, hình ảnh đẹp, ý nghĩa đã có sức lan tỏa tích cực đến học sinh trong trường.

Chương trình ngoại khoá tạo sân chơi đoàn kết, gắn bó cho học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh (huyện Krông Ana).

Là người gắn bó với học sinh trong nhiều hoạt động, thường xuyên nắm bắt tâm tư, tình cảm của các em, thầy Mai Văn Chuyền, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Ngô Mây chia sẻ, trong bối cảnh Internet bùng nổ, mạng xã hội đã tác động mạnh mẽ đến giới trẻ, đặc biệt là học sinh, những công dân đang trong lứa tuổi tò mò, thích khám phá. Chính vì thế, thay vì ngăn cản các em tham gia mạng xã hội, nhà trường đã tiếp cận, giáo dục các em có việc làm đúng, cách ứng xử phù hợp, giúp loại bỏ bạo lực ra khỏi môi trường học đường. Đồng thời thường xuyên tổ chức các sân chơi bổ ích giúp các em gắn bó, đoàn kết hơn, có cơ hội được học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong học tập, cuộc sống.

Việc đưa thông tin tích cực trên mạng xã hội cũng là một trong những hoạt động mà các tổ chức Đoàn, Hội thực hiện trong nhiều năm qua. Theo đó, các đơn vị đã xây dựng các chuyên mục với những tiêu chí cụ thể phù hợp với lứa tuổi, trình độ nhận thức, đặc điểm, điều kiện sống, học tập của học sinh, sinh viên tại từng địa phương, đơn vị. Trong đó đặc biệt chú trọng tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, gương người tốt - việc tốt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Đơn cử như chuyên mục “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” trên fanpage Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Đắk Lắk. Hằng tuần, chuyên mục đăng tải những câu chuyện, hình ảnh đẹp trong xã hội, các gương điển hình, các công trình phần việc của tuổi trẻ trong việc học tập và làm theo lời Bác, các thông tin có mục đích, định hướng tốt, có tính phản biện và tinh thần xây dựng cao. Nhiều câu chuyện đã góp phần tạo ra trào lưu, xu hướng đăng tải, chia sẻ thông tin tích cực trên mạng xã hội, xây dựng môi trường mạng xã hội lành mạnh cho sự phát triển toàn diện của thanh thiếu nhi.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.