Multimedia Đọc Báo in

Thầy và trò mối quan hệ đặc biệt

07:12, 28/11/2023

Định nghĩa “tam cương” có thể xuất phát đầu tiên từ Nho học, với người khai sáng là Khổng Tử, luận giải ba mối quan hệ chính yếu của xã hội loài người là vua tôi, cha con, và chồng vợ.

Về sau, Mạnh Tử phát triển quan điểm quan hệ xã hội này, với định nghĩa “ngũ luân”, gồm: “cha con có tình thân, vua tôi có đạo nghĩa, vợ chồng có khác biệt, lớn nhỏ có tôn ti, và bạn bè có tin tưởng”. Tuân thủ, bảo vệ 5 mối quan hệ luân thường này thì xã hội mới ổn định bền vững, con người có đạo đức lễ pháp với nhau, cùng tồn tại, cùng tiến bộ.

Tuy nhiên, tuyệt nhiên ở cả tam cương ngũ luân, người xưa không nói đến mối quan hệ thầy trò, một mối quan hệ tồn tại đương nhiên trong xã hội. Phải chăng ẩn ý của người xưa, chính là coi trọng mối quan hệ này hơn hẳn mọi mối quan hệ khác, có thể nói là ở trên, cao hơn và trọng yếu hơn?

Ảnh minh họa. Ảnh: Hoàng Gia

Rõ ràng trong tam cương ngũ luân, người ta có thể thấy sự ràng buộc nhất định về trách nhiệm, quyền lợi. Cha con là quan hệ chặt chẽ nhất, giữa người sinh thành và kẻ được nuôi dưỡng. Vợ chồng là mối quan hệ đối tác ràng buộc nhau, người này phải tôn trọng và chăm sóc cho người kia. Bạn bè cũng phải vì có ích lợi, tương trợ nhau, cùng vì một điều kiện nào đó mà tin tưởng gắn bó… Nghĩa là trong mọi quan hệ xã hội, một khi phát sinh xung đột lợi ích, quyền hành thì sự tương tác qua lại sẽ có thể bị bẻ gãy.

Song với quan hệ thầy trò, tuyệt nhiên không thể nhìn nhận như vậy. Giữa người thầy và người trò, thật khó định nghĩa ai ràng buộc ai, ai sai khiến ai, ai quyết định ai. Bởi mối quan hệ này không hề thân thích ruột rà, lại càng không có một lợi ích vật chất hay tiêu chí tâm linh nào. Giữa thầy và trò, chỉ có một chữ đạo đức tồn tại. Người thầy chỉ ra, hướng dẫn cho người học trò những đạo lý, tri thức cuộc sống. Người học trò nắm bắt, thấu hiểu những đạo lý, tri thức ấy để tuân theo và vận dụng thực tiễn để cải tạo, thay đổi phù hợp, sáng tạo nên cái mới, cái hợp lý hơn. Sau đó, lại đến lượt người thầy, qua tương tác trao đổi, sẽ luận giải, cùng học trò nhìn lại vấn đề, học chính cái mới, cái hợp lý từ người trò. Mối quan hệ tương giao qua lại giữa người dạy và người học như vậy, diễn ra liên tục suốt cuộc đời và có thể nói, không có phân định chấm dứt. Không có sự tiếp thu một chiều từ người thầy qua người trò, cũng không có sự đối kháng phản nghịch từ người trò đến người thầy. Quan trọng hơn, toàn bộ những trao đổi, tương tác đó diễn ra đồng thuận, nhuần nhuyễn và bất vụ lợi. Đây là điều độc đáo của quan hệ thầy trò, bởi không hề có một vấn đề lợi ích thiết thực nào được đặt ra giữa thầy và trò; nếu không, quan hệ thầy trò sẽ bị phá vỡ.

Rõ ràng quan hệ thầy trò trong cuộc sống xã hội, là một mối quan hệ hết sức đặc biệt, và những giá trị mang lại thực sự rất to lớn. Có thể kể ra rất nhiều câu chuyện thầy trò cảm động, tình cảm thiết tha trọn đời, người thầy nhất mực ân cần, người trò nhất mực kính trọng. Độc đáo ở chỗ, quan hệ này lại xen lẫn, ẩn tàng trong mọi quan hệ xã hội: người cha cũng có thể là người thầy; người vợ cũng có thể như một người học trò; bạn bè học hỏi trân quý nhau; người già hay trẻ nhỏ có thể vì cảm mến, nhận ra tài năng người kia mà coi nhau là thầy trò, không phân biệt đẳng cấp, tuổi tác.

Mấu chốt chính là qua quan hệ thầy trò, người xưa đã luôn đề cao đạo đức nhân nghĩa, những nền tảng quan trọng để bảo đảm nhân luân xã hội. Bất kỳ ai, trong hoàn cảnh nào, tỏ ra coi thường và xúc phạm người thầy, sẽ lập tức bị xã hội lên án gay gắt. Ai vi phạm đạo đức thầy trò, bị người đời nhận xét “khi sư mạt tổ”, “lừa thầy phản bạn”, coi như đã phạm cái tội rất lớn, rất khó được người đời tha thứ. Điều này lý giải tại sao, dù xã hội có biến thiên đến đâu, giữa người thầy và người trò, vẫn mãi mãi là một mối quan hệ như bình đẳng mà rất tôn ti, như thuần nhất mà luôn đối thoại, rất ổn định mà đổi mới không ngừng.

Nhân tháng Hiến chương các nhà giáo, nói chuyện thầy trò, để nhấn mạnh rằng, người thầy ân cần nhìn xuống, người trò trang trọng cúi đầu, luôn là hình ảnh được người đời ca tụng và mãi mãi noi theo!

Thụy Bất Nhi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.