Multimedia Đọc Báo in

Còn đó những bất cập

07:04, 13/12/2023

Quá trình thực hiện Quyết định 42 liên quan đến nhiều ngành, trong khi một số nội dung thiếu sự hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành Trung ương nên phía thụ hưởng còn khó khăn, lúng túng trong triển khai.

Cơ quan chức năng thiếu quyết liệt

Theo Luật Doanh nghiệp (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021), các doanh nghiệp (DN) nhà nước hoạt động theo mô hình công ty cổ phần không được thụ hưởng chính sách theo Quyết định 42.

Ông Bùi Quang Ninh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk cho biết, tiền thân của đơn vị là Công ty TNHH MTV và do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Từ ngày 10/10/2018, công ty chuyển đổi thành công ty cổ phần và hiện nay Nhà nước đang nắm giữ 98,94% vốn điều lệ.

Căn cứ quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì từ ngày 1/1/2021, công ty được xác định là DN nhà nước nhưng hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, tuy nhiên loại hình này không được quy định tại điều 2 Quyết định 42 và khoản 4, điều 2 Thông tư 58/2017/TT-BTC, ngày 13/6/2017 của Bộ Tài chính nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ các chính sách. Do đó, từ năm 2021 đến nay, công ty không còn được hỗ trợ tiền thuê đất; từ năm 2022 đến nay, không được hỗ trợ kinh phí hỗ trợ đóng bảo hiểm cho người lao động.

Đây là thiệt thòi của DN vì công ty đang sử dụng số lượng lớn lao động người dân tộc thiểu số (DTTS). Gần đây, đơn vị gặp khó khăn trong việc chi trả, hỗ trợ cho người lao động và nợ tiền thuê đất của Nhà nước. Vấn đề này, DN cũng như các cơ quan chức năng địa phương đã kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương nhiều lần, nhưng chưa được xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc phê duyệt, giải quyết.

Quá trình thực hiện Quyết định 42 liên quan đến nhiều ngành, trong khi một số nội dung thiếu sự hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành Trung ương nên phía thụ hưởng còn khó khăn, lúng túng trong triển khai. Ảnh: Minh Thùy

Qua giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh, một số cơ quan chức năng liên quan vẫn chưa quyết liệt trong thực hiện Quyết định 42. Cụ thể, ngày 28/9/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg (lồng ghép nội dung đào tạo nghề); Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg, ngày 28/9/2015 sửa đổi Quyết định số 42 và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 58/2017/TT-BTC thay thế Thông tư số 52/2013/TT-BTC ngày 3/5/2013 để hướng dẫn một số chính sách hỗ trợ tài chính cho các tổ chức, đơn vị sử dụng lao động người DTTS tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, nhưng UBND tỉnh chưa tổ chức tổng kết, đánh giá và chỉ đạo cụ thể cho các sở, ngành chức năng và địa phương trong việc thi hành, theo dõi, giám sát, đôn đốc, kiểm tra và chỉ đạo thực hiện. Bên cạnh đó, các sở, ngành có liên quan đang thiếu chủ động nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện. Các sở, ngành, địa phương được giao thực hiện chức năng quản lý, quan hệ đối với các đơn vị, DN thuộc đối tượng thụ hưởng chưa thực hiện tốt việc chỉ đạo, thông báo, tuyên truyền nên nhiều DN, đơn vị không nắm bắt được, hoặc chưa được hướng dẫn để thực hiện chính sách.

Đơn vị thụ hưởng e ngại

Mặc dù Quyết định 42 có bốn chính sách hỗ trợ, nhưng các DN thuộc đối tượng thụ hưởng đang chỉ tập trung thực hiện hai nội dung được đánh giá là dễ thiết lập hồ sơ, mang lại lợi ích thiết thực cho DN. Thứ nhất, lập hồ sơ để nhận kinh phí hỗ trợ 21,5% tiền bảo hiểm (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp) cho người lao động. Thứ hai là lập hồ sơ để nhận kinh phí Nhà nước miễn, giảm tiền thuê đất khi DN có sử dụng lao động là người DTTS có tỷ lệ từ 30% đến dưới 50% và từ 50% trở lên theo quy định. Còn lại chính sách hỗ trợ về đào tạo nghề và chính sách về áp dụng định mức lao động thì phần lớn các DN chưa thực hiện, bởi theo phản ánh của các DN, trước đây họ đã trình cơ quan chức năng nhưng không được phê duyệt nên không tiếp tục xây dựng, hoặc thiếu hướng dẫn.

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Cao su và Lâm nghiệp Phước Hòa – Đắk Lắk. Ảnh: Ngọc Chính

Bên cạnh đó cũng có DN tự đào tạo nghề cho người lao động để sử dụng, nhưng không làm được thủ tục để thụ hưởng vì chưa có hướng dẫn cụ thể hoặc chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Một số DN muốn đào tạo nghề cho lao động DTTS thông qua các trung tâm đào tạo nghề của Nhà nước nhưng các trung tâm này không dạy nghề theo nhu cầu của DN nên phải sử dụng kinh phí của đơn vị để đào tạo nội bộ cho người lao động và không thể quyết toán, nhận hỗ trợ. Bên cạnh đó, hằng năm DN phải xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo nghề dành cho lao động là người DTTS mới được tuyển dụng vào làm việc, trình cơ quan thẩm quyền phê duyệt nên một số DN e ngại triển khai thực hiện chính sách này.

Về định mức lao động, theo quy định, định mức đối với lao động DTTS bằng 80% định mức chung của đơn vị, nhưng hầu hết các DN không thực hiện hoặc chỉ xây dựng định mức đối với lao động trực tiếp mà còn bỏ sót nhiều đối tượng gián tiếp khác. Một bất cập nữa là việc áp dụng định mức lao động đối với các đơn vị, DN sử dụng lao động DTTS có trụ sở chính đóng trên địa bàn tỉnh thì việc đưa ra định mức lao động chung của các đơn vị, DN do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định, nhưng do mỗi đơn vị, DN có định mức lao động khác nhau, trong khi Trung ương chưa có hướng dẫn cụ thể nên địa phương chưa xây dựng định mức lao động chung theo quy định...

Huỳnh Ngọc - Minh Chính


Ý kiến bạn đọc