Multimedia Đọc Báo in

Điểm sáng trong xuất khẩu lao động

08:21, 01/12/2023

Nhờ làm tốt công tác tuyên tuyền, vận động cùng với sự phối hợp đồng bộ của các cấp, ngành, những năm qua, xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã trở thành một trong những giải pháp hiệu quả để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và giảm nghèo bền vững cho người dân xã Cư Êwi (huyện Cư Kuin).

Gia đình anh Mai Văn Sơn vốn là hộ cận nghèo ở thôn 2, xã Cư Êwi. Năm 2017, thông qua các buổi tuyên truyền giới thiệu việc làm, anh quyết tâm đi XKLĐ tại Nhật Bản. Sau 5 năm, anh đã có tiền gửi về cho gia đình trả nợ, mua thêm đất, mua ô tô. Anh Sơn cho biết, nếu quanh năm chỉ làm ruộng, nương rẫy, đi làm thuê như trước đây thì khó có thể xây được nhà kiên cố và cho con ăn học đến nơi đến chốn như hiện nay. Sau 5 năm đi XKLĐ, tích lũy được một số vốn kha khá, năm 2022, anh Sơn trở về địa phương sinh sống, xây dựng nhà cửa và đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt để cải thiện cuộc sống.

Là một trong số nhiều gia đình có con đi XKLĐ, ông Phạm Thái Học ở thôn 1C, xã Cư Êwi từ một hộ có hoàn cảnh khó khăn nay đã vươn lên khá giả tại địa phương. Ông Học cho hay, gần chục năm về trước, XKLĐ đối với người dân còn xa lạ, cả xã chỉ có vài người đi. Thế nhưng, số lao động này đã thực sự làm thay đổi cuộc sống của gia đình, từ chỗ nghèo túng trở nên khấm khá hơn.

Phó Chủ tịch UBND xã Cư Êwi Hoàng Thị Bền thăm hỏi gia đình có người thân xuất khẩu lao động trên địa bàn xã. Ảnh: N. Hà

Gia đình ông Học hiện có hai con trai đi XKLĐ tại Nhật Bản, người con trai đầu tiên là Phạm Tự Do (SN 1988) xuất ngoại cách đây gần 9 năm. Sang Nhật Bản làm việc với thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng/tháng, không chỉ có khoản tiền gửi về cho gia đình trang trải cuộc sống, anh Do còn giúp đưa em trai Phạm Minh Đức (SN 1996) sang Nhật Bản làm việc cùng mình. Với mức thu nhập cao, ổn định, sau nhiều năm XKLĐ, hai con trai của ông Học đã tích góp xây dựng cho bố mẹ một căn nhà khang trang và trả hết số nợ gia đình vay mượn. “Các con đi làm ăn xa xứ, vất vả trăm đường nhưng đồng lương nhận được lại cao hơn lao động chân tay ở Việt Nam gấp nhiều lần. Tôi luôn động viên các con chịu khó làm ăn, tích lũy tiền bạc để sau này trở về địa phương có vốn sản xuất, phát triển kinh tế”, ông Học chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND xã Cư Êwi Hoàng Thị Bền cho biết, trường hợp của gia đình anh Sơn, ông Học chỉ là hai trong số rất nhiều những gia đình trên địa bàn xã đổi đời nhờ XKLĐ. Những năm qua, chính quyền địa phương luôn xác định XKLĐ là một trong những giải pháp quan trọng giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Vì vậy, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân thấy được hiệu quả của XKLĐ, xã luôn tạo điều kiện về thủ tục để lao động tiếp cận các nguồn vốn nếu có nhu cầu...

Cũng theo bà Hoàng Thị Bền, khoảng 2 năm trước, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, công tác XKLĐ trên địa bàn xã bị ảnh hưởng rất lớn, nhiều trường hợp đã hoàn thành các thủ tục pháp lý có liên quan để XKLĐ nhưng bị gián đoạn. Từ khi thị trường XKLĐ mở cửa trở lại, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã phối hợp với UBND xã nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tuyên truyền đi XKLĐ cho người lao động; tiếp tục phối hợp các công ty, đơn vị có uy tín về XKLĐ tư vấn cho người lao động.

Nhờ xuất khẩu lao động, gia đình anh Mai Văn Sơn ở thôn 2, xã Cư Êwi đã có điều kiện xây dựng nhà ở. Ảnh: N. Hà

Tại xã Cư Êwi, qua khảo sát thực tế, hiện tại, số người đi XKLĐ ngày càng tăng. Đặc biệt là những năm trở lại đây, trước “bài toán” giải quyết việc làm sau đại học cho học sinh, sinh viên, nhiều gia đình đã định hướng cho con em mình đăng ký học ngoại ngữ và tìm hiểu thị trường của các nước để XKLĐ.

Đến thời điểm hiện tại, toàn xã có gần 100 lao động đang làm việc tại nước ngoài, tập trung chủ yếu tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan với mức thu nhập từ 30 - 50 triệu đồng/tháng… Sau khi hết hạn về nước, hầu hết người đi XKLĐ đều có cuộc sống ổn định, đại đa số vận dụng kiến thức tích lũy được trong lĩnh vực làm việc như nông nghiệp, công nghệ và sản xuất chế tạo để tiếp tục xin việc và làm việc tại các doanh nghiệp tư nhân. Một bộ phận khác sử dụng nguồn vốn tích lũy đầu tư vào sản xuất, kinh doanh hoặc chuyển sang công việc khác có thu nhập cao hơn làm nông nghiệp.

Nguyên Hà – Phạm Thừa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.