Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư Kuin: Hiệu quả từ công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn

07:12, 14/12/2023

Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Cư Kuin chú trọng, từ đó từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần giải quyết việc làm, thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo tại địa phương.

Tạo sinh kế, nâng cao thu nhập

Những ngày này, không khí tại Nhà cộng đồng buôn Hra Ea Hning (xã Dray Bhăng) rộn rã bởi tiếng lách cách dập sợi từ các khung dệt. 35 học viên phụ nữ dân tộc thiểu số tại chỗ của buôn đang học lớp dệt thổ cẩm do Phòng LĐ-TB&XH huyện phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) tổ chức miệt mài, chăm chú với bài thực hành của mình.

Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ buôn Hra Ea Hning H’Chúc Bdap vui vẻ chia sẻ: Nắm bắt được nhu cầu của chị em muốn có cái nghề để tăng thu nhập, chị mạnh dạn phối hợp với Ban tự quản, Chi hội Nông dân đề xuất mở lớp và vận động chị em tham gia. Một điều rất thuận lợi, từ năm 2021 tại buôn đã thành lập được tổ hợp tác dệt thổ cẩm, nên khi chị em học xong, thành thạo nghề có thể tham gia tổ hợp tác và đảm bảo có nơi tiêu thụ đầu ra sản phẩm…

Giảng viên hướng dẫn học viên lớp dệt thổ cẩm tại buôn Hra Ea Hning (xã Dray Bhăng) thực hành các sản phẩm.

Còn tại buôn Êa Khít (xã Ea Bhốk), bên ngôi nhà đang trong quá trình hoàn thiện, các học viên lớp sơ cấp xây dựng tích cực vận dụng kiến thức vừa được học vào công việc. Khai giảng từ tháng 6/2023 do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức, đến thời điểm này khóa học sắp kết thúc, và những công trình do 33 học viên xây dựng dưới sự hướng dẫn, giám sát của giáo viên giảng dạy là những thành quả trực tiếp mà lớp học mang lại.

Tin tưởng sau khi được đào tạo nghề sẽ có công việc ổn định, kinh tế gia đình phát triển hơn, học viên Y Phi Niê (buôn Êa Khít) cho hay: Gia đình anh thuộc hộ cận nghèo, không có ruộng rẫy, quanh năm đi làm thuê, làm mướn. Qua lớp đào tạo nghề xây dựng, vừa học vừa thực hành, mình nhận thấy công việc này so với làm nông có thu nhập cao hơn, có thể thu bình quân mỗi tháng từ 9 - 10 triệu đồng, đủ chăm sóc, nuôi dạy con cái, chi tiêu trong gia đình. Anh hy vọng, sau này từ nghề đã học có thể đi làm tại các công trình, hoặc nhận thầu để từ đó ổn định cuộc sống.

Đào tạo nghề gắn với nhu cầu xã hội

Trên địa bàn huyện Cư Kuin hiện có khoảng 70.000 người trong độ tuổi lao động; trong đó chủ yếu là lao động phổ thông, tham gia hoạt động kinh tế phần lớn trong lĩnh vực nông nghiệp. Tay nghề của người lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp chưa cao; số lao động có tay nghề, chuyên môn còn ít.

Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn đạt hiệu quả, huyện đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp như: tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, mở các lớp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, tổ chức đánh giá hiệu quả những chương trình đào tạo đã thực hiện, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo nghề sát với nhu cầu thị trường lao động... Huyện cũng chỉ đạo các phòng, ban, địa phương tập trung đa dạng hóa các loại hình dạy nghề với các ngành nghề theo nhu cầu của xã hội như: dệt thổ cẩm, chăn nuôi heo, nấu ăn, may mặc, xây dựng… nhằm khai thác hiệu quả nguồn nhân lực tại chỗ.

Chỉ tính riêng trong hai năm 2022 và 2023, từ nguồn kinh phí các chương trình mục tiêu quốc gia, Phòng LĐ-TB&XH huyện phối hợp với các đơn vị tổ chức 22 lớp đào tạo nghề, góp phần nâng tổng số lao động qua đào tạo gần 47.000 người, đạt tỷ lệ 73,12%; số lao động có bằng cấp, chứng chỉ gần 39.000 người, đạt tỷ lệ 42,38%. Qua học nghề, lao động nông thôn đã nắm bắt được những kiến thức, công nghệ mới, trở thành nguồn nhân lực có chuyên môn tay nghề, từng bước đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập cho bản thân, gia đình, góp phần giảm nghèo ở địa phương.

Anh Y Phi Niê, buôn Êa Khít, xã Ea Bhốk (đứng giữa) cùng các học viên lớp sơ cấp xây dựng thực hành xây nhà cho người dân trong buôn.

Phó Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Cư Kuin Đặng Thị Huyền Trang cho biết, trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp các phòng, ban, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề cho người lao động; chủ động nắm nhu cầu lao động cần đào tạo phù hợp với thị trường lao động để thông tin đầy đủ, kịp thời về đào tạo nghề và khả năng giải quyết việc làm sau học nghề cho người lao động.

Cùng với đó, tăng cường công tác định hướng, tư vấn hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS và THPT, thu hút được nhiều người tham gia học nghề, tạo điều kiện cho người học được trang bị kỹ năng nghề đủ điều kiện tham gia vào thị trường lao động trong nước và nước ngoài.

Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động; tăng cường công tác phối hợp giữa cơ sở đào tạo với các đơn vị hoạt động sản xuất, kinh doanh để nâng cao chất lượng đào tạo gắn với giải quyết việc làm sau khi người học hoàn thành khóa học; liên kết với các doanh nghiệp sử dụng lao động, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm cho người lao động sau học nghề…

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.